Theo CoinMarketCap, giá Bitcoin sáng 1/3 tăng mạnh lên mốc 43.700 USD/đồng. Đáng chú ý, kể từ đêm 28/2 đến nay, giá Bitcoin đã tăng thêm hơn 6.000 USD, tương đương 15,6%.
Vốn hóa thị trường của Bitcoin tăng 15,3%, đạt mốc 824 tỷ USD. Trong 24 giờ qua, khối lượng giao dịch của Bitcoin cũng tăng thêm 58,55%, khoảng 36,8 tỷ USD.
Đà tăng bất ngờ của Bitcoin đã kéo bật cả thị trường, giúp sắc xanh phủ kín hàng loạt danh mục.
Trong nhóm 10 đồng số vốn hóa lớn, Terra và Avalanche là hai altcoin có mức tăng vượt trội nhất với trên 20%, theo sau là Ethereum (11,31%), Binance coin (9,82%), XRP (7,43%), Cardano (12,68%), Solana (13,88%).
Sắc xanh bao phủ toàn thị trường. Ảnh: Coin360. |
Đây là đợt tăng mạnh hiếm hoi của Bitcoin trong năm 2022. Sau gần nửa tháng sụt giảm nghiêm trọng, đồng tiền số lớn nhất thế giới đã lấy lại được mốc 43.000 USD.
Trước đó, giá Bitcoin từng có thời điểm rơi tự do và xuyên thủng ngưỡng 35.000 USD. Tương tự tài sản truyền thống, các chuyên gia quốc tế nhận định đà suy yếu của Bitcoin bắt nguồn từ những căng thẳng địa chính trị, đặc biệt khi Nga tiến hành đưa quân vào Ukraine.
Song, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine phần nào thúc đẩy nhu cầu sử dụng tiền mã hóa trong nước, nhất là trong bối cảnh đồng RUB của Nga xuống mức thấp kỷ lục
Theo Công ty dữ liệu tiền mã hóa Kaiko, khối lượng giao dịch Bitcoin bằng RUB hiện đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2021. Tương tự, khối lượng giao dịch Bitcoin tại Ukraine cũng ghi nhận mức chưa từng thấy kể từ tháng 10.
“Xu hướng này diễn ra sau làn sóng trừng phạt chống lại Nga, điều này làm gián đoạn thị trường ngoại hối và khiến đồng RUB mất giá so với USD”, Clara Medalie, người đứng đầu nghiên cứu tại Kaiko, cho biết.
Khối lượng giao dịch tổng thể của Bitcoin có sự thay đổi do dao động giá của tuần trước. Tuy nhiên, Kaiko nhận thấy các cặp giao dịch BTC/UAH và BTC/RUB lớn hơn nhiều so với cặp BTCUSD. Theo dữ liệu của CoinShares, khối lượng trên các sàn giao dịch Bitcoin sử dụng cặp RUB/USD đã tăng 121% so với tuần trước.
Tiền mã hóa được coi như biện pháp giúp Nga chống đỡ các lệnh trừng phạt. Trước vấn đề này, một số quan chức Ukraine, gồm Phó thủ tướng Mykhailo Fedorov, yêu cầu các sàn giao dịch chặn địa chỉ truy cập đến từ Nga.
Dẫu vậy, sàn Binance đã từ chối yêu cầu này và chỉ chặn các tài khoản Nga cụ thể bị áp dụng lệnh trừng phạt.
“Tiền mã hóa đồng nghĩa với sự tự do tài chính cho mọi người. Việc đơn phương cấm người dùng tiếp cận tiền mã hóa sẽ ảnh hưởng đến lý do tiền mã hóa tồn tại”, phát ngôn viên của Binance chia sẻ.