Theo Reuters, Standard Chartered cho rằng đợt tăng trưởng gần đây sẽ khuyến khích các thợ đào tích trữ nguồn cung. Hồi tháng 4, ngân hàng này cũng dự báo giá Bitcoin có thể vọt lên 100.000 USD/BTC vào cuối năm sau do "mùa đông tiền mã hóa" đã kết thúc.
Thời điểm đó, ông Geoff Kendrick - chuyên gia phân tích tại Standard Chartered - cho rằng sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) và các ngân hàng khác của Mỹ "giúp Bitcoin hưởng lợi".
Tăng trưởng phi mã từ đầu năm
Tình trạng hỗn loạn của ngành ngân hàng trên toàn cầu đã thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư Bitcoin. Họ tin rằng tiền mã hóa sẽ là một giải pháp thay thế phi tập trung cho hệ thống ngân hàng truyền thống, đồng thời đóng vai trò là tài sản phòng ngừa lạm phát nhờ hạn chế về nguồn cung.
"Chúng tôi nhận thấy Bitcoin có tiềm năng chạm ngưỡng 100.000 USD vào cuối năm 2024, vì 'mùa đông tiền mã hóa' cuối cùng cũng kết thúc", ông Kendrick nhấn mạnh.
"Với những lợi thế này, chúng tôi tin rằng thị phần của Bitcoin trong tổng giá trị vốn hóa của thị trường kỹ thuật số có thể tăng từ 45% hiện tại lên 50-60% trong vài tháng tới", ông nói thêm.
Lợi nhuận tăng lên trên mỗi BTC được khai thác có nghĩa là các thợ đào có thể bán ra ít hơn mà vẫn duy trì dòng tiền vào, giảm nguồn cung Bitcoin ròng và đẩy giá lên cao hơn
Ông Geoff Kendrick - chuyên gia phân tích tại Standard Chartered
"Giá tăng cao đã giúp các công ty khai thác Bitcoin kiếm lời", ông Kendrick viết. Theo ông, giá Bitcoin hiện cao hơn nhiều so với chi phí khai thác ước tính, khoảng 15.000 USD/BTC.
"Lợi nhuận tăng lên trên mỗi BTC được khai thác có nghĩa là các thợ đào có thể bán ra ít hơn mà vẫn duy trì dòng tiền vào, giảm nguồn cung Bitcoin ròng và đẩy giá lên cao hơn", ông Kendrick lập luận.
Đây sẽ là dấu hiệu tích cực cho tiền mã hóa. Bởi với quy mô nắm giữ khổng lồ, các thợ đào sẽ chi phối thị giá đáng kể.
Kể từ đầu năm nay, giá Bitcoin đã tăng vọt 80%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức 69.000 USD/BTC hồi cuối năm 2021.
Năm ngoái, hàng nghìn tỷ USD đã bay hơi khỏi lĩnh vực tiền mã hóa. Bối cảnh kinh tế vĩ mô trở nên bấp bênh sau các đợt tăng lãi suất dồn dập của những ngân hàng trung ương lớn. Kéo theo đó là một loạt vụ phá sản của các sàn giao dịch và công ty tiền mã hóa.
Khan hiếm nguồn cung
Theo phân tích của Standard Chartered, khi giá tăng lên, các thợ đào chỉ cần bán ra một số lượng Bitcoin ít hơn để trang trải chi phí, chủ yếu là tiền điện.
“Hiện tại, các thợ đào đang bán 100% số Bitcoin khai thác được. Nhưng với mức giá 50.000 USD, họ chỉ cần bán ra 20-30%”, ông Kendrick viết. Như vậy, lượng Bitcoin được bán ra sẽ giảm đi, từ đó đẩy giá lên cao hơn nữa.
Hiện tại, các thợ đào đang bán 100% số Bitcoin khai thác được. Nhưng với mức giá 50.000 USD, họ chỉ cần bán ra 20-30%
Ông Geoff Kendrick - chuyên gia phân tích tại Standard Chartered
Hơn nữa, sự kiện "chia đôi khối" của Bitcoin (Bitcoin halving) sẽ diễn ra vào tháng 4 hoặc 5 năm sau. Giới quan sát nhận định sự kiện này có thể trở thành chất xúc tác cho đà tăng trưởng phi mã của đồng tiền số này kể từ đầu năm.
Sau sự kiện này, phần thưởng mà các thợ đào Bitcoin nhận được sẽ giảm một nửa khi khai thác một khối Bitcoin mới. Đây là sự kiện diễn ra định kỳ nhằm ngăn chặn nguy cơ lạm phát cho đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới.
Chính quá trình này đã tạo ra nguồn cung hữu hạn cho Bitcoin, từ đó hỗ trợ giá của đồng tiền mã hóa hàng đầu.
Trước đợt chia đôi khối gần nhất, diễn ra vào ngày 11/5/2020, giá Bitcoin đã tăng 19% trong vòng 12 tháng trước đó từ 7.191,36 USD/BTC lên 8.568,88 USD/BTC.
Còn ở đợt chia đôi khối diễn ra vào ngày 9/7/2016, giá Bitcoin đã tăng 142% so với 12 tháng trước đó, từ 269,14 USD/BTC lên $651,83 USD/BTC.
"Phân tích các sự kiện phân đôi khối trong quá khứ, các nhà đầu tư thường tích lũy Bitcoin trong thời gian chuẩn bị diễn ra sự kiện này", nhà phân tích Jamie Sly tại CryptoCompare nhận định.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...