Theo Coindesk, vào sáng 7/1 (theo giờ New York), giá Bitcoin thiết lập kỷ lục giá mới 41.909,73 USD/đồng, trước khi giảm nhẹ giao dịch quanh ngưỡng 41.800 USD/đồng. So với một ngày trước đó, giá đồng tiền này vẫn tăng đến hơn 9%.
Đà tăng giúp giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 768,38 tỷ USD, trong khi tổng giá trị thị trường tiền mã hóa vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD. Đồng Bitcoin đã tăng 200% giá trị so với tháng trước và hơn 400% trong vòng 12 tháng qua. Tính từ ngày 1/1/2021, đồng tiền này tăng giá hơn 30%.
Các nhà quan sát cho biết giới đầu tư đổ tiền vào thị trường Bitcoin do nguồn cung tiền tăng vọt trên toàn cầu. Các chính phủ trên toàn thế giới tăng chi tiêu để bảo vệ việc làm và hỗ trợ người lao động trong cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Những gói kích thích kinh tế với quy mô chưa từng có tạo áp lực lên tiền pháp định. Trong khi đó, Bitcoin được coi là một trong các hàng rào chống lạm phát.
Bitcoin cũng chiếm được lòng tin từ các nhà quản lý quỹ tên tuổi như Paul Tudor Jones, Stanley Druckenmiller và Mike Novogratz. Mới đây, nhóm chiến lược gia của ngân hàng JPMorgan, đứng đầu là chuyên gia Nikolaos Panigirtzoglou, dự báo về dài hạn, giá trị vốn hóa của Bitcoin sẽ tăng 4,6 lần, tức mỗi đồng Bitcoin trị giá 146.000 USD.
Giá Bitcoin tăng phi mã áp sát ngưỡng 42.000 USD/đồng. Ảnh: Coindesk. |
"Tiền mã hóa đã đạt một cột mốc quan trọng và vượt ngưỡng 40.000 USD. Điều này khiến mức giá 50.000 USD/đồng là hoàn toàn nằm trong tầm tay", ông Naeem Aslam, Trưởng bộ phận Phân tích tại nền tảng giao dịch Avatrade, bình luận.
Tuy nhiên, ông Neil Wilson, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường tại Markets.com, cảnh báo một đợt bán tháo mạnh có thể diễn ra vào những ngày tới. "Tôi sẽ cẩn trọng với một cú sụt giá lớn. Các đợt bán tháo Bitcoin thường rất mạnh, giống như với cổ phiếu Tesla", ông cho biết.
Một số nhà đầu tư Phố Wall cảnh báo đà tăng giá phi mã của Bitcoin chỉ là một bong bóng bị thổi phồng một cách phi lý. "Tôi vẫn sẽ gào lên trong tuyệt vọng rằng Bitcoin không phải là một tài sản có thể đầu tư", chuyên gia tài chính Jeffrey Halley tại hãng Oanda cảnh báo. "Vui lòng không đưa lương hưu của quý vị vào đó", vị chuyên gia nói thêm.