Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá bán điện mặt trời áp mái giảm, chủ đầu tư nói gì?

Theo Quyết định 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020, giá điện mặt trời áp mái mới giảm còn khoảng 1.943 đồng/kWh. Điều này liệu có làm nản lòng các chủ đầu tư?

Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mới dự kiến có hiệu lực từ 22/5/2020, áp dụng đến 31/12/2020. Theo đó, giá mua điện với cả ba loại hình điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và điện mặt trời áp mái đều thấp hơn so với mức giá trước đó, lần lượt là 1.644 đồng/kWh, 1.783 đồng/kWh và 1.943 đồng/kWh.

Theo Bộ Công Thương, giá mua điện mặt trời áp mái giảm 143 đồng là phù hợp với xu hướng giảm của giá thiết bị và công nghệ, đồng thời giúp giảm áp lực lên giá điện bán lẻ. Ngoài ra, việc quy định giá mua điện mặt trời áp mái cao hơn các loại hình điện mặt trời khác cho thấy Chính phủ rất quan tâm và ưu đãi loại hình này.

Mặt khác, văn bản này cũng quy định hợp đồng mua bán điện có thời hạn 20 năm kể từ ngày đưa hệ thống vào vận hành. Điều này góp phần tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư, đồng thời thúc đẩy điện mặt trời áp mái tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Thực tế tính đến tháng 3, cả nước có hơn 24.300 công trình điện mặt trời áp mái với tổng công suất 465,8 MWp. Chỉ riêng trong tháng 3, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã ký biên bản lắp đặt công tơ 2 chiều cho gần 600 khách hàng. Tổng số khách hàng lắp đặt điện mặt trời lên đến 1.615. Điều này phần nào chứng tỏ điện mặt trời áp mái vẫn là kênh đầu tư hiệu quả.

gia dien mat troi ap mai anh 1

Lĩnh vực điện mặt trời áp mái được dự báo sẽ tiếp tục phát triển.

Anh Vũ Quang Hưng - Giám đốc Công ty TNHH MTV In ấn Hồng Lĩnh Hưng cho biết, hiện anh vận hành hệ thống điện áp mái công suất 4,95 KWp. Bán điện mặt trời áp mái cho EVN hơn một năm nay, trừ số điện đã dùng, mỗi tháng anh Hưng thu về khoảng 800.000 đồng.

Nhận định về giá bán mới, anh Hưng cho biết: “So với giá cũ thì chênh lệch không nhiều, bù lại giá vật tư đã giảm. Vận hành từ tháng 4/2019 đến nay, lượng điện sản xuất hàng ngày rất ổn định và tôi hài lòng với khoản đầu tư đã bỏ ra”.

Anh Hưng cũng dự đoán sẽ có nhiều nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này, vì bản thân anh đang dự định lắp thêm một điểm với công suất 10 KWp.

Cùng chung dự đoán, ông Bùi Hữu Cư - Giám đốc Công ty CP Thương mại Công nghệ và Giải pháp Hạ Long cho biết, sẽ có nhiều người đầu tư vào điện mặt trời áp mái, nhưng chưa phải vì bảng giá điện mới, bởi thời gian của biểu giá này rất ngắn. “Người dân sẽ đầu tư ở quy mô vừa đủ cho mức tiêu thụ của gia đình để hạn chế dùng điện lưới quốc gia, đặc biệt trong giờ cao điểm bởi giá còn cao”, ông Cư nhấn mạnh.

Dự đoán làn sóng đầu tư điện mặt trời sau khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg có hiệu lực, PGS.TS Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện KH&CN Nhiệt - Lạnh, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định biểu giá mới thấp hơn so với giá trước đây, nhưng do giá thiết bị (tấm pin, biến tần...) cũng đã giảm 30-50% so với các năm trước đây, nên giá hiện tại vẫn hấp dẫn và có tác dụng khuyến khích các nhà đầu tư, khách hàng lắp đặt.

gia dien mat troi ap mai anh 2

Đầu tư điện áp mái là giải pháp nhất cử lưỡng tiện với nhiều cá nhân, doanh nghiệp.

Quyết định 13/2020/QĐ-TTg nêu rõ các dự án được áp dụng cơ chế mới phải có quyết định chủ trương đầu tư trước 23/11/2019 và vận hành thương mại trước 31/12/2020. Như vậy, các chủ đầu tư chỉ còn khoảng 7 tháng triển khai dự án.

“Thời gian để các công trình điện mặt trời áp mái được hưởng chế độ theo Quyết định 13/2020 còn lại không nhiều. Những dự án công suất lớn, lắp đặt tại các nhà xưởng, khu công nghiệp… sẽ gặp nhiều khó khăn về tiến độ, vật tư nhập khẩu do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19”, bà Trần Hương Thảo - Trưởng đại diện Chi nhánh miền Bắc Công ty Năng lượng Mặt trời Bách Khoa - nhận định. Điều này đồng nghĩa các chủ đầu tư sẽ phải chạy nước rút để được hưởng mức giá vừa ban hành.

Để hỗ trợ phát triển điện mặt trời áp mái, nhất là tại các địa phương có tiềm năng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị sẽ phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh vận động hộ dân, doanh nghiệp lắp đặt điện mặt trời áp mái, đặc biệt với công trình có diện tích mái lớn. Các tổng công ty điện lực cũng đơn giản hóa thủ tục, kiểm tra điều kiện nối lưới, lắp công tơ 2 chiều và ký kết hợp đồng mua bán điện mặt trời ngay khi có yêu cầu.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, để sản xuất 1 MW điện năng lượng mặt trời cần tới 1 ha đất triển khai dự án. Do đó, điện mặt trời áp mái đang là giải pháp tối ưu. “Nếu chính sách đủ dài và ổn định, cách thức hợp tác giữa các bên mua bán điện hợp lý, sẽ có một làn sóng đầu tư điện áp mái. Khi đó, một lượng điện không hề nhỏ sẽ hòa vào mạng lưới quốc gia, tiết kiệm được lượng nước dành cho nông nghiệp, không phải đắp đập thủy điện, đồng thời giảm lượng khí thải carbon. Những lợi ích đó rất lớn”, ông Hữu Cư cho biết thêm.

Giang Minh Nguyệt

Bình luận

Bạn có thể quan tâm