Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ghi chép của một thầy thuốc, một kẻ sĩ Nam Bộ

Cuốn hồi ký "Thời gian trong mắt tôi" ghi lại những tháng ngày sôi động, trong sáng, nhiệt huyết của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp trong dòng chảy của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Thoi gian trong mat toi anh 1

Bác sĩ, nhà giáo nhân dân, nhà báo, nhà văn Trần Hữu Nghiệp. Ảnh Tư liệu.

Thời gian trong mắt tôi là cuốn hồi ký và những ghi chép, bài báo của nhà giáo nhân dân - bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911-2006) do chính ông viết ghi lại những tháng ngày sôi động, trong sáng, nhiệt huyết trong dòng chảy của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trọn vẹn 60 năm của cuộc đời mình.

Theo bà Trần Kiều Lan, con gái út của bác sĩ Trần Hữu Hiệp, gia đình đã tập hợp bổ sung thêm các bài viết để in lại tác phẩm này “với mong muốn lan tỏa tinh thần cống hiến, dấn thân của một thế hệ trí thức Tây học yêu nước, giúp các bạn trẻ hiểu hơn về thế hệ cha ông, tinh thần 'kẻ sĩ Nam Bộ' trong dòng chảy cách mạng vì độc lập tự do của dân tộc”.

Người thầy thuốc cầm bút

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sinh năm 1911 tại Tân Thủy, Ba Tri, Bến Tre. Sau khi tốt nghiệp Trường Y khoa Đông Dương ở Hà Nội, ông sang Pháp tu nghiệp rồi về Mỹ Tho mở phòng mạch vào năm 1937. Khi kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, ông từ bỏ cuộc sống bình thường để đi vào kháng chiến, chịu nhiều cực khổ, gian lao và trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cán bộ Y tế trung ương.

Cùng những tên tuổi như bác sĩ như Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Hưởng, Đặng Văn Ngữ, Nguyễn Thiện Thành… bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã góp phần tạo nên một thế hệ ưu tú trong đội ngũ thầy thuốc cách mạng Việt Nam. Ông được ví như cây đa trong ngành Y, là “máy cái” trong công cuộc xây dựng và đào tạo cán bộ cho ngành Y tế Cách mạng miền Nam trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1988.

“Cuộc đời đầy lý tưởng và nhiều trải nghiệm của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã là một cuốn sách thực sự lôi cuốn và hấp dẫn cho công chúng. Thế nhưng, đáng quý hơn, chính ông đã cầm bút và để lại cho hậu thế nhiều trang viết có giá trị lịch sử và văn chương, mà tác phẩm Thời gian trong mắt tôi là một ví dụ tiêu biểu”, nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - chia sẻ trong buổi ra mắt hồi ký sáng ngày 21/2.

Xưa nay, thầy thuốc cầm bút không phải quá hiếm hoi. Ngoài nghiên cứu, giảng dạy, trực tiếp chữa bệnh, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn viết báo, viết văn với bút danh Hằng Ngôn. Từ cuốn sách Phép nuôi con ra mắt năm 1943 đến khi mất vào năm 2006, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp có gần chục tác phẩm được công chúng đón nhận.

Thoi gian trong mat toi anh 2

Hồi ký Thời gian trong mắt tôi của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp được tái bản nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam. Ảnh: Thanh Trần.

Trong đó, Thời gian trong mắt tôi được xem là tác phẩm quan trọng nhất của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp, bao gồm những trang hồi ký, tùy bút, biên khảo mà ông tâm đắc. Cuốn hồi ký đã ghi lại những tháng ngày sôi động, trong sáng, nhiệt huyết trong dòng chảy của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trọn vẹn 60 năm của cuộc đời mình. Cuốn sách lần đầu ra mắt được bạn đọc đánh giá là giàu chất tư liệu, giàu chất văn học.

“Thực ra Trần Hữu Nghiệp nổi tiếng khá sớm, nhưng ít người chú ý mà thôi. Nói đúng hơn khi cuốn Thời gian trong mắt tôi xuất bản, người ta mới sửng sốt Trần Hữu Nghiệp đích thực là một nhà văn! Với tôi chỉ cuốn này bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đủ đứng vào hàng ngũ các nhà văn tên tuổi”, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm nhận xét.

Tổng kết một giai đoạn lịch sử

Không chỉ là cuốn hồi ký của cá nhân, Thời gian trong mắt tôi còn cho thấy cả một giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc. Trong đó, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp nhắc đến sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ nhân viên y tế giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cuộc sống dấn thân cống hiến của những trí thức yêu nước và cuối cùng là mối quan hệ đồng điệu giữa trái tim thầy thuốc và rung động văn chương.

“Xã hội Nam Kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã được tái hiện nhiều qua con mắt người Pháp, nhưng hình ảnh làng xã Nam Kỳ qua cây bút của nhà báo, nhà văn Trần Hữu Nghiệp rất khác. Ông là người lớn lên, sinh sống ở đó, vì thế ông thấm thía được nỗi đau của người dân quê ông. Những trang viết của ông không nói ra, nhưng có thể cảm nhận được tình yêu nước, yêu quê hương và làng xóm đã khiến ông dấn thân vào cuộc kháng chiến”, bà Nguyễn Ánh Tuyết - Phó giám đốc, Phó tổng Biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM - chia sẻ sau khi đọc tác phẩm.

“Thời gian trong mắt tôi, chính là khái quát tinh tế, hấp dẫn, lôi cuốn bằng văn học một giai đoạn lịch sử Cách mạng miền Nam rõ ràng nhất, chân thật nhất. Ngôn ngữ Nam Bộ rất riêng của Trần Hữu Nghiệp, của một người con Nam Bộ không lẫn vào đâu được! Tôi mê hoặc cái chất Nam Bộ đó. Nó chân thật, vì ông chẳng phải dày công tìm kiếm đâu xa mà nó ở ngay trước mắt, bởi vậy mới gọi 'thời gian trong mắt tôi', trong đó tôi nghĩ có cả tổng kết một giai đoạn lịch sử cuộc đời ông”, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm nói.

Thoi gian trong mat toi anh 3

(Từ trái sang) Bà Trần Kiều Lan, nhà văn Bích Ngân, nhà văn Trầm Hương tại buổi tọa đàm ra mắt sách ngày 21/2. Ảnh: Thanh Trần.

Sau 30 năm, hơn 300 trang của Thời gian trong mắt tôi vẫn còn nguyên vẹn sự thú vị từ tấm lòng của một thầy thuốc cách mạng và khí chất của một kẻ sĩ Nam Bộ. Ngay cả khi hoài niệm cố hương, ông cũng hướng thao thức về phía cộng đồng. “Phải đi chu du khắp nơi trong nước gần phân nửa cuộc đời, rồi nhớ lại sinh hoạt quê tôi thời thơ ấu, tôi mới nhận thức được rằng ở quê tôi nhân dân vừa hiền lành vừa kiên cường đối phó với nghịch cảnh”, ông viết.

Nhà thơ Kim Ba cho biết bác sĩ Trần Hữu Nghiệp là niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Bến Tre. Tuy nhiên, tư liệu về cuộc đời của bác sĩ không có được nhiều. Vì thế, cuốn hồi ký còn là một tư liệu đắc dụng và quý báu đối với địa phương, để những thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp.

Một số phẩm đã được xuất bản của bác sĩ Trần Hữu Nghiệp: Thời gian trong mắt tôi (1993); Binh chủng đặc biệt của đội quân tóc dài (1990); Nói chuyện với người uống rượu (1981); Lịch sử phụ nữ ngành Y tế miền Nam trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1991); Nói chuyện với người hút thuốc lá (1983), Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc (1962), Phép nuôi con (1943),...

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều ‘chưa bao giờ làm việc gì mà bỏ nửa chừng’

Với nhà văn Trần Thị Trường, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều không chỉ là người tài năng mà trước hết là một người tử tế, có tình, trọng chữ tín.

Bộ sách về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, NXB Quân đội Nhân dân xuất bản bộ sách 3 cuốn về cuộc đời cách mạng của vị tướng bản lĩnh, quyết liệt và trách nhiệm.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm