Đế chế tiền ảo DCG có giá trị lên tới 10 tỷ USD. Ảnh: Axel Rangel. |
Theo Bloomberg, việc Công ty Genesis tạm dừng cho vay và rút tiền mã hóa trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thị trường tiền số đang ngày càng lan rộng đã khiến dư luận đổ dồn sự chú ý vào ông Barry Silbert, nhà sáng lập kiêm CEO của Tập đoàn Digital Currency Group.
Sự bành trướng của DCG
Ông Silbert thành lập DCG tại Stamford vào năm 2015. Sau 6 năm phát triển, tập đoàn này được định giá lên tới 10 tỷ USD sau khi bán 700 triệu USD tiền cổ phiếu trong một thương vụ tư nhân do SoftBank Group thực hiện. Doanh nghiệp này đang có 66 nhân viên và nắm giữ hơn 200 công ty trong danh mục đầu tư của mình.
Quy mô hoạt động của DCG tương đối lớn. Ngoài công ty Genesis chuyên cho vay tiền mã hóa, đơn vị này còn sở hữu Công ty quản lý tài sản kỹ thuật số Grayscale Investments. DCG cũng là công ty mẹ của nhà cung cấp dịch vụ khai thác tiền điện tử Foundry Digital, ấn phẩm tin tức Coindesk và sàn giao dịch Luno.
Ông Barry Silbert, nhà sáng lập kiêm CEO của Digital Currency Group. Ảnh: Bloomberg. |
Danh tiếng của DCG rất lớn trong thị trường tiền mã hóa. Hạng mục đầu tư của công ty phủ rộng từ sàn giao dịch Coinbase cho đến nhà sản xuất phần cứng Ledger, thậm chí là bao gồm cả ngân hàng Silvergate.
Với việc Genesis tạm dừng cho vay và rút tiền mã hóa, vấn đề sức khỏe tài chính của DCG đang bị đặt dấu hỏi lớn. Sau sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX, Công ty Genesis trở thành “viên ngọc quý” và trở thành một trong những đơn vị môi giới tiền mã hóa lớn nhất cũng như nổi tiếng nhất.
Dư chấn từ các vụ phá sản
Phía Công ty Grayscale chưa có động thái mới trước các biến động của thị trường. Tuy nhiên, đơn vị này vẫn đang âm thầm giải quyết các vấn đề của riêng mình. Quỹ tín thác Bitcoin Grayscale trị giá 10,7 tỷ USD (mã GBTC) đang giao dịch với mức chiết khấu cao kỷ lục so với số Bitcoin mà bản thân doanh nghiệp này nắm giữ.
Công ty Grayscale đã kiện Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vào tháng 6 năm nay sau khi cơ quan quản lý từ chối đơn đăng ký của công ty trong việc chuyển đổi GBTC thành một quỹ giao dịch trao đổi.
Ngay cả khi sở hữu mức chiết khấu cao, GBTC vẫn được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho Grayscale và rộng ra là DCG. Theo tính toán của Bloomberg, dẫu GBTC đã giảm hàng tỷ USD giá trị kể từ khi tổng tài sản đạt đỉnh hơn 40 tỷ USD vào tháng 11 năm ngoái, Grayscale vẫn sẽ thu hơn 200 triệu USD tiền phí ủy thác mỗi năm.
Giá giao dịch của GBTC so với Bitcoin. Ảnh: Bloomberg. |
Vấn đề bắt đầu lộ diện sau khi Genesis vướng vào vụ phá sản của quỹ phòng hộ Three Arrows Capital. Công ty con của DCG đã nhận một số khoản nợ và nộp đơn yêu cầu Three Arrows bồi thường 1,2 tỷ USD. Đại diện bên Genesis cho biết trước khi FTX sụp đổ, khoản cho vay đó đã giảm 80% trong quý III.
“Genesis Global Capital, bộ phận kinh doanh cho vay của Genesis, đã đưa ra một quyết định khó khăn là tạm dừng việc rút tiền và phát hành những khoản vay mới. Quyết định này được đưa ra để đối phó với tình trạng thị trường bị xáo trộn nghiêm trọng sau sự kiện chấn động của FTX”, đại diện công ty cho biết
Bên phía Genesis cũng khẳng định động thái này không ảnh hưởng đến việc lưu ký hoặc giao dịch của công ty. DCG và các công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn khác và vẫn vận hành bình thường.
Trong bối cảnh hỗn loạn gần đây, DCG đã tiến hành cải tổ lại bộ phận C-suite của mình. Bên cạnh đó, việc ông Mark Murphy được thăng chức từ giám đốc vận hành lên chủ tịch cũng là một phần việc trong chiến lược tái cơ cấu của tái cơ cấu. Ngoài ra, hơn 10 nhân viên đã rời khỏi công ty, trong đó nhiều người giữ các chức vụ quan trọng tại bộ phận nghiên cứu thị trường và phân tích rủi ro.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...