Trước khi chính quyền Tổng thống Obama quyết định bảo lãnh cho những khó khăn tài chính mà hãng General Motors gặp phải năm 2009, hãng xe lớn nhất của Big Three (ba hãng xe lớn nhất Bắc Mỹ) đã đứng bên bờ vực phá sản. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố, đặc biệt là sự quản lý tồi tệ và chi phí nguyên vật liệu cao.
GM từng đứng bên bờ vực phá sản trước khi có sự can thiệp của chính phủ Mỹ. Ảnh: Dailymessenger. |
Hãng General Motors từng sở hữu các thương hiệu như Hummer, Pontiac, Saturn và Saab. Để giữ GM không bị phá sản, Bộ tài chính Mỹ và Canada cố gắng bán những thương hiệu kém hiệu quả cho bất cứ đối tác nào quan tâm. Đó là lý do chúng ta gọi là New GM sau ngày 10/7/2009, chỉ còn lại các thương hiệu như Chevy, Caddy, Buick, GMC, Holden, Opel, Vauxhall và GM Daewoo.
Quá trình tái cấu trúc này giống những gì người Nhật làm với cây Bonsai, liên tục cắt tỉa những nhánh không cần thiết để đảm bảo sự tăng trưởng trong dài hạn. Và những nỗ lực tái cơ cấu đã được đền đáp. Năm 2014 có thể coi là buổi bình minh của GM. Hãng công bố đây là năm thứ hai liên tiếp đạt kỷ lục bán hàng toàn cầu.
GM trở thành hãng xe lớn thứ 3 thế giới sau nhiều năm sụt giảm. Ảnh: Foxbusiness. |
Hãng ô tô khổng lồ đã bán tổng cộng 9.924.880 xe trên toàn cầu trong năm ngoái, tăng trưởng 2% so với năm 2013. GM trở thành một trong ba hãng bán xe nhiều nhất toàn cầu, sau VW và Toyota với hơn 10 triệu xe trên toàn thế giới.
Những thị trường lớn nhất của GM là Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Anh và Canada. Cũng trong năm 2014, thị trường ô tô toàn cầu đánh dấu bước phát triển khởi sắc. Tổng số xe bán ra ước đạt 86,5 triệu xe, cao hơn 2,5 triệu so với năm 2013.