Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘GDP Việt Nam có thể giảm 6.000 tỷ vì cạnh tranh thương mại’

Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, có báo cáo đánh giá chỉ ra rằng GDP Việt Nam có thể giảm 0,2-0,3% do cạnh tranh thương mại. Trong 5 năm tới, GDP có thể mất 6.000 tỷ đồng.

Vấn đề cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đặt câu hỏi tới Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trong phiên chất vấn sáng 6/6. Trong khi đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm đặt câu hỏi về việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách giám sát.

GDP có thể giảm 0,2-0,3% vì cạnh tranh thương mại

“Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc đang vào hồi quyết liệt. Xin Phó thủ tướng cho biết thái độ ứng xử, hành động của chúng ta sao cho phù hợp và hiệu quả?”, đại biểu Trí đặt câu hỏi.

Trả lời, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng sự cạnh tranh của 2 cường quốc đang tác động lớn đến kinh tế thế giới và khu vực.

“Như Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế đã nói, một trong 4 đám mây bao phủ nền kinh tế là cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế cũng lo ngại vấn đề này”, ông nói.

GDP Viet Nam co the giam 6.000 ty trong 5 nam toi vi chien tranh thuong mai anh 1
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Minh Quân.

Theo Phó thủ tướng, có một số dự đoán rằng nếu cạnh tranh tiếp tục kéo dài, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ chậm lại. Có dự báo cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,5% xuống 3,2%. Ngoài ra, vấn đề cung - cầu thương mại cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất lớn, do đó bất cứ tác động nào từ bên ngoài cũng bị ảnh hưởng”, ông nói.

Theo Phó thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quan tâm đến vấn đề này. Chính phủ cũng đã thành lập một ban chỉ đạo để nghiên cứu, đánh giá tình hình. Từ đó, ban chỉ đạo đưa ra kiến nghị chính sách cho nền kinh tế.

Đánh giá về ngắn hạn, Phó thủ tướng cho rằng cạnh tranh thương mại sẽ thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, ông dẫn đánh giá cho thấy dấu hiệu kinh tế Việt Nam có thể giảm tốc.

“Một số đánh giá cho biết GDP Việt Nam có thể giảm 0,2-0,3%. Thậm chí trong 5 năm tới, GDP có thể giảm 6.000 tỷ đồng”, Phó thủ tướng phát biểu trước Quốc hội.

GDP Viet Nam co the giam 6.000 ty trong 5 nam toi vi chien tranh thuong mai anh 2
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể khiến GDP Việt Nam giảm 6.000 tỷ đồng trong 5 năm tới. Ảnh: Bloomberg.

Nói về biện pháp, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đang xây dựng nhiều kịch bản và biện pháp cần thiết để đảm bảo ổn định của nền kinh tế, trong đó có việc ổn định kinh tế vĩ mô, linh hoạt tỷ giá, kiềm chế lạm phát, nâng cao năng lực các doanh nghiệp Việt Nam, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Ông cũng nêu thực trạng trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên.

“Việc đón nhận làn sóng đầu tư cần có chọn lọc vào lĩnh vực ưu tiên. Chúng ta sẽ ưu tiên chất lượng, đảm bảo môi trường, công nghệ tiên tiến. Cũng cần cảnh giác với việc hàng hóa nước ngoài thông qua Việt Nam, để vào các thị trường khác để trốn thuế, gian lận thương mại”, ông nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời việc Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách giám sát

Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chất vấn Phó thủ tướng Phạm Bình Minh việc Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sát.

“Chính phủ đã tính tới tình huống này chưa? Giải pháp xử lý vấn đề này thế nào?”, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đặt câu hỏi.

Với câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời.

Có mặt tại hội trường, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết ngày 29/5, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Mỹ. Trong danh sách 9 quốc gia cần được theo dõi, giám sát có Việt Nam.

GDP Viet Nam co the giam 6.000 ty trong 5 nam toi vi chien tranh thuong mai anh 3
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng. Ảnh: Minh Quân.

Thống đốc Lê Minh Hưng giải thích theo quy định của Mỹ, có 3 tiêu chí đánh giá quốc gia có quan hệ thương mại lớn với nước này gồm: Có thặng dư thương mại với Mỹ trên 20 tỷ USD; có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP; có can thiệp vào ngoại hối một chiều, mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục khoảng 2% GDP.

“Chúng ta thỏa mãn 2 tiêu chí đầu tiên của Mỹ, tức là có thặng dư thương mại trên 20 tỷ USD; có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Tuy nhiên, can thiệp ngoại hối một chiều thì chúng ta thấp hơn ngưỡng của Mỹ đưa ra”, ông Hưng cho hay.

Ông cũng cho biết báo cáo của Mỹ kết luận là không có quốc gia nào trong danh sách này thực hiện thao túng tiền tệ.

“Chúng ta cũng khẳng định với Mỹ là Việt Nam trong điều hành, không dùng chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng”, ông giải trình thêm.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết báo cáo này, Mỹ cũng đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Chính phủ Việt Nam, trong đó có một số bộ, ngành và Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, khuyến nghị của Mỹ tương đồng với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) từng đưa ra.

“Những khuyến nghị này nằm trong lộ trình mà Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành hoàn thiện. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cùng các bộ ngành hoàn thiện cũng như cung cấp đầy đủ thông tin cho Mỹ. Chúng ta chia sẻ rõ định hướng điều hành, diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô, cán cân thanh toán vãng lai, thương mại với Mỹ”, Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời.

Chính phủ nói gì về việc hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thừa nhận có tình trạng hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt gây hậu quả xấu. Ông nhấn mạnh sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt khi phát hiện.


Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm