Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chiến tranh thương mại leo thang, dân Trung Quốc bất an vì lạm phát

Người tiêu dùng Trung Quốc có lẽ không quá quan tâm đến chỉ số GDP giảm và chiến tranh thương mại bùng nổ. Thứ đang khiến họ đau đầu là giá thực phẩm tăng vọt.

Theo báo New York Times, hàng ngày chợ nông sản Tân Phát Địa ở phía Nam Bắc Kinh luôn nhộn nhịp từ sáng đến chiều tối. Đây là nơi các cửa hàng, nhà hàng và người tiêu dùng ở thủ đô Trung Quốc đến mua trái cây và rau củ với số lượng lớn.

Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 6, các tiệm bán táo đã vắng khách hơn. Giá táo tăng gấp đôi lên gần 2,2 USD/kg. “Giờ phải là những người có tiền mới ăn được táo. Cỡ công nhân thì đừng mơ, vì giá quá đắt”, New York Times dẫn lời ông Li Tao, một tiểu thương bán táo 20 năm qua tại chợ Tân Phát Địa.

chien tranh thuong mai My - Trung anh 1
Tại một chợ trái cây ở Bắc Kinh. Ảnh: New York Times.

Vài tháng qua, nền kinh tế thủ đô Bắc Kinh chật vật với tình trạng tăng trưởng chậm lại và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ. Và giờ người dân thành phố còn phải lo lắng với tình trạng giá cả leo thang.

Giá cả tăng vọt

Ngoài táo, hầu hết các loại trái cây và rau quả đều trở nên đắt đỏ hơn trước. Giá thịt heo tăng vọt do hậu quả của dịch cúm heo. Chỉ trong tháng 4, giá thịt heo tăng 14%. Giá thịt gà, cừu và bò cũng cao hơn nhiều so với trước đây.

Nhìn chung trong tháng 4 giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng khoảng 6,1%. Nhà chức trách cảnh báo giá thịt heo có thể tăng 70% trong năm 2019. Giá 7 loại trái cây tăng trung bình lên gần 1,1 USD/kg, cao nhất trong vòng 5 năm qua.

“Giá trái cây, rau củ và thịt heo tăng khiến nhiều người lo lắng”, chuyên gia Chenjun Pan, Giám đốc thực phẩm và nông nghiệp của tổ chức RaboResearch, cho biết.

Ngoài thực phẩm, giá các loại hàng hóa khác ở Trung Quốc vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, giá thực phẩm tăng thực sự là nỗi lo ngại lớn đối với người tiêu dùng. Theo Tân Hoa xã, mới đây chính phủ Trung Quốc lên tiếng khẳng định nguồn cung thực phẩm vẫn rất dồi dào.

New York Times dẫn lời chuyên gia George Magnus thuộc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Oxford nhận định lạm phát chung chưa tăng vọt, nhưng giá thịt heo, trái cây và rau củ tăng vọt sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu dùng. Và đó là vấn đề đáng lo ngại với nền kinh tế Trung Quốc.

chien tranh thuong mai My - Trung anh 2
Người tiêu dùng Trung Quốc đang phải chi nhiều tiền hơn để mua rau và trái cây. Ảnh: New York Times

Ngay cả Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc cũng tỏ ra hết sức ngạc nhiên với với tình trạng giá cả thực phẩm leo thang khi đến thăm một khu chợ nông sản ở tỉnh Sơn Đông hôm 25/5. “Giá tăng cao vậy cơ à?”, ông Lý Khắc Cường thắc mắc khi tiểu thương nói với ông rằng giá táo đã tăng gấp đôi kể từ năm ngoái.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, rất nhiều người lên tiếng ca thán về tình trạng giá thực phẩm tăng vọt. Trên Weibo, cư dân mạng đặt câu hỏi tại sao giá tăng nhanh như vậy. Những người khác chỉ ra rằng theo khuyến cáo của Hiệp hội Dinh dưỡng Trung Quốc, mỗi cá nhân nên ăn ít nhất 500 gram rau và 250 gram trái cây mỗi ngày.

“Tôi không có khả năng ăn rau và trái cây theo chế độ đó. Giờ trái cây đắt như vàng vậy", một người tiêu dùng than thở.

Vấn đề kinh tế - chính trị

Có rất nhiều yếu tố đang đẩy giá thực phẩm tại Trung Quốc tăng cao. Chính quyền các tỉnh vẫn đang nỗ lực kiểm soát dịch cúm heo châu Phi. Hơn 1 triệu con heo đã bị tiêu hủy bỏ để ngăn chặn dịch lây lan.

Về giá trái cây, chính quyền cho rằng thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân chính và khẳng đây chỉ là đợt tăng giá tạm thời. Nhà chức trách cũng lo đối phó với dịch sâu bệnh đã tàn phá hơn 900 km2 diện tích trồng lúa, cao lương và ngô tại Trung Quốc.

Giá thực phẩm tăng trong một thời điểm nhạy cảm với nền kinh tế Trung Quốc. Mới đây Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo nước này sẽ đối mặt với khó khăn kéo dài do căng thẳng với Mỹ leo thang.

Hồi đầu tháng 4, chính quyền Trung Quốc thông báo nền kinh tế nước này vẫn duy trì mức tăng trưởng 6,4% trong quý I/2019. Dù vậy đây vẫn là con số thấp nhất trong 10 năm qua và thậm chí nhiều nhà kinh tế quốc tế nghi ngờ tăng trưởng Trung Quốc thấp hơn bởi tiêu thụ nhiên liệu giảm mạnh trong tháng 3 và 4.

Hồi tháng 3, Thủ tướng Lý Khắc Cường thừa nhận Trung Quốc nền kinh tế phải đối mặt với nhiều áp lực.

chien tranh thuong mai My - Trung anh 3
Giá thịt heo tăng vọt tại Trung Quốc trong năm nay do dịch cúm heo. Ảnh: New York Times

Ở thời điểm hiện tại, tình trạng giá cả leo thang chỉ hạn chế ở lĩnh vực thực phẩm. Nhưng triển vọng kinh tế Trung Quốc khá u ám. Theo South China Morning Post, tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc tăng lên 5,3% trong 2 tháng đầu năm 2019 so với mức 4,9% của tháng 12/2018.

Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định chính quyền nước này sẽ đảm bảo nguồn cung trái cây, rau quả, thịt trứng… cho người dân. Đầu tháng 5, Bắc Kinh vạch ra một kế hoạch dự phòng để đối phó với tình trạng giá ngũ cốc và dầu ăn tăng vọt.

Chưa rõ giá thực phẩm tăng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đến nền kinh tế Trung Quốc. New York Times dẫn lời chuyên gia Harry Broadman, cựu chánh văn phòng Hội đồng cố vấn kinh tế Nhà Trắng (Mỹ) dự báo lạm phát tăng có thể gây áp lực tăng lương lên các công ty quốc doanh Trung Quốc.

“Đó không còn là vấn đề kinh tế đơn thuần mà là vấn đề kinh tế - chính trị”, ông Broadman khẳng định.

Đất hiếm không thể giúp Trung Quốc 'báo thù' Mỹ

Trung Quốc đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để trả đũa chính quyền Tổng thống Donald Trump. Nhưng giới chuyên gia cho rằng đây không phải là vũ khí hiệu quả của Bắc Kinh.

 

An Chi

Bạn có thể quan tâm