Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chính phủ nói gì về việc hàng nước ngoài đội lốt hàng Việt

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thừa nhận có tình trạng hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt gây hậu quả xấu. Ông nhấn mạnh sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt khi phát hiện.

Sáng 6/6, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng trả lời chất trước Quốc hội. Ông giải trình thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm như vấn đề hàng nước ngoài đột lốt hàng Việt Nam, xử lý các đại án kinh tế, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển…

Trước khi trả lời chất vấn, Phó thủ tướng dành khoảng 10 phút để giải trình thêm một số vấn đề. Về việc phát triển doanh nghiệp, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết khu vực tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Khối này cũng giúp tăng thu ngân sách, tạo việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.

“Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân”

“Hiện nay, cả nước có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Hàng năm có trên 100.000 doanh nghiệp được thành lập, trong đó hơn 96% có quy mô nhỏ và vừa. Chúng ta cũng có hàng triệu hộ kinh doanh cá thể”, Phó thủ tướng cho biết. 

hang nuoc ngoai doi lot hang viet nam anh 1
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh. Ảnh: Minh Quân.

Tuy nhiên, ông cho rằng năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường.

“Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nói”, ông chia sẻ trước Quốc hội.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh biện pháp quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Chính phủ cũng kiên quyết loại trừ tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân dưới mọi hình thức.

“Thực hiện nghiêm quy định về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị”, ông nói.

Tăng chế tài xử phạt hàng hóa đội lốt hàng Việt Nam

Trong phần chất vấn, đại biểu Hoàng Văn Liên (Long An) đặt câu hỏi về vấn đề hàng hóa không rõ nguồn gốc, sản xuất bên ngoài nhưng lấy nhãn hiệu Việt Nam đang gây bức xúc.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết vừa qua lực lượng chức năng đã bắt giữ nhiều vụ việc mà các đối tượng kinh doanh hàng hóa dán sẵn tem ở nước ngoài rồi nhập lậu vào Việt Nam.

“Hiện tượng này gây ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam, và ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng. Chúng ta có thể bị các nước xem xét việc nhập khẩu hàng hóa, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế”, Phó thủ tướng nhận định.

hang nuoc ngoai doi lot hang viet nam anh 2
Tình trạng hàng hóa Việt Nam bị "nhái" xuất xứ đang diễn ra phức tạp. Ảnh minh họa.

Ông cũng cho rằng thương hiệu hàng hóa của Việt Nam ngày càng có chất lượng, được sự tin dùng của nước ngoài. Do đó, nhiều đối tượng sử dụng việc này để bán hàng hóa kém chất lượng.

Về biện pháp xử lý, Phó thủ tướng cho rằng cần tăng cường nhiều giải pháp hạn chế tình trạng này. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân, doanh nghiệp không bao che, tiếp tay cho hàng hóa không rõ nguồn gốc, chủ động tố giác các hành vi vi phạm.

“Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương nhiệm vụ chống gian lận xuất xứ hàng hóa. Bộ cũng được yêu cầu xây dựng nghị định để xử lý hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Chúng ta sẽ tăng nặng việc xử phạt để răn đe tình trạng hàng hóa lấy danh nghĩa hàng Việt Nam vào thị trường khác”, ông nêu biện pháp.

Xử lý nghiêm hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng

Về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh đây là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ông cho biết các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng. Điển hình như vụ AVG, “Vũ nhôm”, “Út trọc”, Gang thép Thái Nguyên…

Cùng với đó, Chính phủ cũng tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao. Song song với đó là khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.

Phó thủ tướng kể ra các vụ việc tại nhiều doanh nghiệp như PVTex; Ethanol Phú Thọ; Cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; Công ty VN Pharma; khu đô thị mới Thủ Thiêm…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Các quy định của pháp luật vẫn còn sơ hở, bất cập. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Ngoài ra, công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ thu hồi, xử lý về tiền, tài sản, đất đai trong các vụ tham nhũng còn thấp. Sự gương mẫu, tính quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị còn thấp.

“Tới đây, Chính phủ yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa...”, ông nói.

Bảo hộ ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trên vùng biển chưa phân định

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là thành viên Chính phủ cuối cùng trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội trong kỳ họp lần này.



Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm