Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bảo hộ ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trên vùng biển chưa phân định

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là thành viên Chính phủ cuối cùng trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội trong kỳ họp lần này.

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh trả lời chất vấn Quốc hội Sáng 6/6, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh có phần tóm tắt nội dung trả lời chất vấn của các Bộ trưởng và trực tiếp trả lời những thắc mắc còn lại của các đại biểu Quốc hội.
Chat van pho thu tuong Pham Binh Minh anh 1
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Hoàng Hà.
  • Đối với câu hỏi về giải pháp để nông sản nói chung, đặc biệt là thủy sản được xuất khẩu thuận lợi trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin nông sản Việt Nam xuất khẩu trên thế giới ngày một tăng, dự kiến sẽ cán mốc trên 9 tỷ USD trong năm nay.

    Hiện, EU đưa ra định chế về việc khai thác bất hợp pháp, không đúng quy cách làm ảnh hưởng đến đại dương, kinh tế biển đối với Việt Nam. Bộ trưởng Cường cho rằng khuyến nghị của EU là hoàn toàn phù hợp để Việt Nam tái cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển bền vững và có trách nhiệm. Theo đó, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến các nhóm giải pháp; các tỉnh duyên hải cũng đã tuyên truyền ngư dân về khai thác thủy sản đúng cách, hợp lý.

    Tuy nhiên, một số khu vực phía Nam vẫn còn sai phạm mà nguyên nhân đến cả từ chủ quan và khách quan. Đợt tới, Bộ trưởng khẳng định cần bám sát khuyến nghị của EU, tập trung tái cơ cấu và tạo ra chuỗi liên kết chặt chẽ. Ngoài ra, nước ta cần tập trung nuôi trồng ở phía biển, nuôi xa và tận dụng kỹ thuật khoa học công nghệ.

  • Bộ trưởng Thông tin Truyền thông nói về dọn rác trên mạng xã hội

  • Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sát

    Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) chất vấn Phó thủ tướng việc Việt Nam bị Mỹ đưa vào danh sách cần giám sát. Chính phủ đã tính tới tình huống này chưa? Giải pháp xử lý vấn đề này thế nào?

    Tuy nhiên, với câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời.

    Theo ông Lê Minh Hưng, ngày 29/5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố báo cáo về các chính sách kinh tế vĩ mô, thương mại và tỷ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Mỹ và đưa ra danh sách 9 quốc gia cần được theo dõi, giám sát trong đó có Việt Nam.

    Thống đốc Lê Minh Hưng giải thích theo quy định của Mỹ, có 3 tiêu chí đánh giá quốc gia có quan hệ thương mại lớn với nước này gồm: Có thặng dư thương mại với Mỹ là trên 20 tỷ USD; có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP; có can thiệp vào ngoại hối một chiều, mua ròng ngoại tệ trong 6 tháng liên tục khoảng 2% GDP.

    “Chúng ta thoả mãn 2 tiêu chí đầu tiên của Hoa Kỳ, tức là có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ là trên 20 tỷ USD; có thặng dư cán cân vãng lai trên 2% GDP. Còn can thiệp ngoại hối một chiều thì chúng ta thấp hơn ngưỡng của Hoa Kỳ đưa ra”, ông Hưng cho hay.

    Ông cũng cho biết báo cáo của Mỹ kết luận là không có quốc gia nào trong danh sách này thực hiện thao túng tiền tệ. Chúng ta cũng khẳng định việc điều hành chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, không dùng chính sách kinh tế vĩ mô trong đó có chính sách tiền tệ, tỷ giá để tạo cạnh tranh, tạo lợi thế thương mại một cách không công bằng. Báo cáo này chỉ đưa ra một số khuyến nghị chính sách cho Chính phủ, cho một số bộ, ngành, trong đó có ngân hàng nhà nước.

    Khuyến nghị của Mỹ đưa ra cũng tương đồng với kiến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế hàng năm vào đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

  • Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo

    Về câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) Phó thủ tướng khẳng định quan điểm của Chính phủ là khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Đây là nguồn năng lượng bền vững, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng.

    Việt Nam hiện có nhiều chính sách thể hiện rõ chiến lược phát triển lĩnh vực này. Theo Phó thủ tướng, mục tiêu đến năm 2030-2050, tỷ trọng điện tái tạo từ mặt trời đạt 6-20%, với điện gió là 3-5% tổng sản lượng điện.

    “Đến tháng 6 năm nay, chúng ta dự kiến đưa vào vận hành an toàn khoảng 3.000 MW điện mặt trời trong tổng số 10.000 MW đang triển khai và đầu tư xây dựng dự án. Nhiều dự án điện gió cũng đang được các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất với quy mô tổng cộng trên 5.000 MW”, Phó thủ tướng cho biết.

     

  • Bảo hộ ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trên vùng biển chưa phân định

    Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu vấn đề thời gian qua có tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam liên tục bị bắt giữ khi đánh cá ở khu vực chưa phân định. Ông hỏi Chính phủ có giải pháp nào bảo vệ ngư dân.

    Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh vấn đề bảo hộ ngư dân hết sức quan trọng, được Đảng và Chính phủ rất quan tâm. Đây là trách nhiệm của các cơ quan để ngư dân đánh cá hợp pháp trong vùng biển của chúng ta.

    Phó thủ tướng cho biết vừa qua có những vụ việc ngư dân bị bắt giữ, và chúng ta kiên quyết đấu tranh với các nước nếu các nước bắt ngư dân của ta khi đang đánh cá hợp pháp. Đồng thời, yêu cầu thả người và phải bồi thường thiệt hại.

    Chat van pho thu tuong Pham Binh Minh anh 2

    Ông cũng nêu thực tế có một số ngư dân của ta bị bắt giữ trên vùng biển chưa được phân định, như gần đây nhất là bị bắt trên vùng biển chưa phân định giữa Việt Nam - Indonesia, vì có tranh chấp trong vùng đánh cá nên một số vụ đã xảy ra va chạm. “Mỗi lần như vậy Bộ ngoại giao đã trực tiếp trao đổi và phản đối với đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam”, ông Minh cho biết.

    Bên cạnh đó, có trường hợp ngư dân của ta đánh bắt cá trong vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của các nước. Trong trường hợp này, Việt Nam cũng bảo hộ ngư dân bằng việc yêu cầu đối xử nhân đạo, xét xử công bằng, hợp lý.

    Theo Phó thủ tướng, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục để ngư dân tôn trọng luật pháp quốc tế, đánh bắt cá trong vùng biển hợp pháp.

  • GDP có thể giảm 6.000 tỷ vì cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định sự cạnh tranh của hai cường quốc đang tác động lớn đến kinh tế thế giới và khu vực.

    “Một trong bốn đám mây bao phủ nền kinh tế là cạnh tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc”, Phó thủ tướng dẫn lời của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Một số dự đoán cho rằng nếu cuộc chiến tiếp tục kéo dài, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm từ 3,5% xuống 3,2%, cung cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng.

    Đối với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở tới 200% GDP thì việc chịu tác động mạnh là chắc chắn. Theo Phó thủ tướng, Chính phủ đã thành lập một ban chỉ đạo, nghiên cứu, đánh giá tình hình và kiến nghị chính sách cho nền kinh tế.

    Về ngắn hạn, cuộc chiến thương mại nói trên đang thúc đẩy một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam; về dài hạn, có đánh giá cho thấy dấu hiệu tiêu cực, 5 năm tới GDP có thể giảm 6.000 tỷ đồng.

    Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh thông tin Việt Nam đã xây dựng những kịch bản với mong muốn tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển. Ông cho rằng vai trò của ổn định kinh tế vi mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo linh hoạt tỷ giá là rất quan trọng; các doanh nghiệp cũng cần được nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư.

    Ngoài ra, tình hình hiện nay đang ảnh hưởng rõ rệt đến xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Phó thủ tướng cho rằng cần chọn lọc những lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo chất lượng, bảo vệ môi trường và nâng cao tính công nghệ.

    Chat van pho thu tuong Pham Binh Minh anh 3

  • Vì sao chậm giải ngân vốn ODA?

    Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) chất vấn Phó thủ tướng về tình trạng chúng ta thiếu nguồn lực để triển khai cơ sở hạ tầng nhưng việc giải ngân chậm, đặc biệt với nguồn vốn ODA. Bà hỏi việc này do tổ chức thực hiện hay do nguyên nhân khác.

    Phó thủ tướng Phạm Bình Minh ghi nhận chất vấn này rất đúng. Ông thừa nhận thực tế giải ngân vốn ODA vừa qua có chậm. Theo đó, năm 2018 chỉ đạt 63,2% vốn kế hoạch. 5 tháng đầu năm 2019 tình hình giải ngân được thúc đẩy nhưng vẫn còn chậm.

    Theo Phó thủ tướng, nguyên nhân là khó khăn giữa nguồn vốn ODA và vốn đối ứng không được bố trí phù hợp. “Khi ký kết hiệp định vay vốn ODA thì các nhà cung cấp bao giờ cũng đề nghị có nguồn vốn đối ứng để giải quyết vấn đề liên quan đến mặt bằng sạch nếu xây dựng, các bộ, ngành cũng cam kết có vốn đối ứng nhưng khi thực hiện chưa được như mong muốn”, Phó thủ tướng nói.

    Nguyên nhân tiếp theo được Phó thủ tướng nêu là các dự án về vốn ODA có tính chất khác nhau, có dự án giải ngân nhanh nhưng có dự án chậm. Giai đoạn đầu thực hiện dự án mất thời gian khảo sát để triển khai, việc này rất chậm, cộng với việc lập kế hoạch lại chưa sát, nhất là dự án vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng.

    Phó thủ tướng thông tin, giai đoạn 2016-2020 tổng số vốn ODA xây dựng dự án giao thông chiếm 50%. Ông cũng đề cập đến nguyên nhân về năng lực của các chủ dự án chưa đáp ứng.

    Có những dự án, BQL dự án có năng lực triển khai được ngay nhưng cũng có dự án triển khai kém”, ông Minh nói. Đặc biệt, còn có khó khăn, vướng mắc nhất về GPMB. Phần lớn vốn ODA cho GPMB, công tác này chậm nên vốn ODA giảm hiệu quả do kéo dài thời gian.


  • Chính sách di dân ở vùng lũ quét

    Sau khi báo cáo, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh lắng nghe chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

    Trả lời câu hỏi về chính sách đối với việc di dời tại vùng lũ quét, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chỉ ra hiện nay có 118 chương trình và chính sách đang thực hiện triển khai hiệu quả ở các vùng dân tộc miền núi. Theo đó, có 54 chính sách trực tiếp, 64 chính sách có ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài ra là 21 chương trình mục tiêu có nội dung tác động gián tiếp đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

    Phó thủ tướng cho rằng vẫn chưa bố trí được nguồn lực để thực hiện; tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và nước sạch chưa được quan tâm một cách chu đáo. Tỷ lệ hộ nghèo ở các khu vực này ngày càng tăng, làm khoảng cách giàu - nghèo cũng có xu hương gia tăng; tình trạng di cư tự do chưa được sắp xếp ổn định và nhiều hộ chưa được đăng ký hộ khẩu và cấp chứng minh thư.

    Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp lần này việc phân bổ 1.000 tỷ đồng hỗ trợ chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, dân tộc thiểu số; phân bổ 1.831 tỷ đồng hỗ trợ địa phương phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Đối với dự án di dân, thủy điện, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương và EVN báo cáo về nguồn vốn hỗ trợ cho dự án bồi thường tái định cư tại Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang, Hòa Bình.

  • Xử lý nghiêm hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng

    Về công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh đây là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Ông cho biết các cơ quan chức năng đã điều tra phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng (như các vụ: AVG; Vũ "Nhôm"; Út "Trọc", Thép Thái Nguyên…). 

    Cùng với đó, tập trung thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao; khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, trong đó có các dự án thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm (PVTex, Ethanol Phú Thọ, cảng Quy Nhơn; các dự án BOT, BT giao thông; Công ty VN Pharma; Khu đô thị mới Thủ Thiêm…).

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Các quy định của pháp luật vẫn còn sơ hở, bất cập. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa được ngăn chặn hiệu quả.

    Ngoài ra, công tác tự kiểm tra, phát hiện vi phạm trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ thu hồi, xử lý về tiền, tài sản, đất đai trong các vụ tham nhũng còn thấp. Sự gương mẫu, tính quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng của một số lãnh đạo cơ quan, đơn vị còn thấp.

    Tới đây, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm như đầu tư công, đất đai, dự án BT, BOT, cổ phần hóa... Đồng thời, khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng; thu hồi triệt để tài sản thất thoát.

    Chat van pho thu tuong Pham Binh Minh anh 4

  • Tăng nặng hình phạt để xử lý các vấn đề gây bức xúc xã hội

    Về đạo đức xã hội, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nêu thực tế gần đây ở một số địa phương còn xảy ra không ít vấn đề đạo đức xã hội gây bất an, bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân. Một bộ phận giới trẻ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các sản phẩm, dịch vụ văn hóa thiếu lành mạnh, độc hại. Xuất hiện lối sống ích kỷ, thực dụng, vô cảm…; không ít giá trị đạo đức truyền thống, lối sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang có biểu hiện bị mai một.

    Theo ông, thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung xử lý, sớm khắc phục tình trạng bức xúc nêu trên. Đồng thời, khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật theo hướng tăng nặng hình phạt, có chế tài xử lý đủ sức răn đe; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.

    Theo Phó thủ tướng, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức, lối sống là nhiệm vụ rất quan trọng, mang tính thường xuyên, lâu dài của các cấp, các ngành, trước hết là mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu thực hiện và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

  • Trên 500 bài thi được nâng điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

    Đề cập đến việc khắc phục bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, cần đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.

    Nhìn nhận các kỳ thi thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng từ năm 2016 đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh, giảm chi phí của xã hội, song theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, thực tế triển khai đã phát sinh tiêu cực, gian lận trong thi cử tại một số địa phương. Trong đó, kỳ thi năm 2018 vừa qua, tại Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình có trên 500 bài thi được nâng điểm.

    Theo Phó thủ tướng, ngay sau khi có thông tin về hiện tượng gian lận trong kỳ thi, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm, kiên quyết không chấp nhận gian lận, bảo đảm công bằng trong thi cử. Đồng thời, nghiêm khắc phê bình các địa phương đã để xảy ra sai phạm; yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh liên quan chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và xử lý nghiêm theo đúng quy định.

    Phó thủ tướng cho biết các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ liên quan đến sai phạm thi cử và tiếp tục điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

    Ông nhấn mạnh kỳ thi tới cần đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng.

  • Đừng kỳ thị kinh tế tư nhân

    Về vấn đề phát triển doanh nghiệp, Phó thủ tướng cho biết khu vực kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm, thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội. “Hiện nay, cả nước có trên 730.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trên 100.000 doanh nghiệp thành lập mới mỗi năm; trong đó hơn 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa; hàng triệu hộ kinh doanh cá thể”, Phó thủ tướng thông tin.

    Tuy nhiên, ông cho rằng năng lực, hiệu quả của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhìn chung còn yếu, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

    Thời gian tới, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách, khẩn trương sửa đổi Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh, bình đẳng theo cơ chế thị trường, đừng kỳ thị kinh tế tư nhân như Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nói.

    Bên cạnh đó là việc quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; kiên quyết loại trừ tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng vặt, gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân dưới mọi hình thức. Thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị.

  • Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc giải ngân chậm

    Báo cáo một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm, chất vấn, Phó thủ tướng nêu vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công. Theo ông, tình hình thực hiện và giải ngân thời gian qua đã có chuyển biến. Giải ngân 5 tháng đạt gần 100.000 tỷ đồng, bằng gần 29% kế hoạch (cao hơn so với cùng kỳ là 27,4%).

    Tuy nhiên, việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều hạn chế, yếu kém. Một số bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân thấp, chưa thực sự chủ động, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ; còn chậm trễ trong thực hiện quy trình, thủ tục, đấu thầu, triển khai và kiểm tra, giám sát thực hiện. Hơn nữa, vẫn còn nhiều chồng chéo, bất cập về thể chế, quy định pháp luật về đầu tư công.

    Phó thủ tướng cho biết Chính phủ tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với các dự án lớn giải ngân chậm; yêu cầu người đứng đầu các Bộ ngành, địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm, chỉ đạo tập trung tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

    Cùng với đó, Chính phủ cũng đã chấn chỉnh công tác đấu thầu, thực hiện nghiêm quy định về đấu thầu, mua sắm công qua mạng; đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng và thi công, thanh quyết toán công trình.

    Để khắc phục các bất cập, tồn tại trong các quy định pháp luật về đầu tư công, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo hướng đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ bớt các khâu trung gian, loại bỏ cơ chế xin - cho, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, giám sát, bảo đảm công khai minh bạch, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm…

  • Triệt phá nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng

    Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh báo cáo trước Quốc hội tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm.

    Theo Phó thủ tướng, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến rất nhanh, phức tạp; tăng trưởng kinh tế, thương mại toàn cầu dự báo sụt giảm; xung đột thương mại tiếp diễn khó lường; ở trong nước, dịch tả lợn châu Phi lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống thì với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế tiếp tục có xu hướng tích cực.

    Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 2,74%, thấp nhất trong 3 năm qua. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4%.

    Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường tiếp tục được quan tâm; đời sống người dân được cải thiện, số hộ thiếu đói giảm 30,5%. Đã triệt phá nhiều vụ án lớn về ma túy, đánh bạc trên mạng… Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.

    Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cho biết tình hình kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; còn nhiều vấn đề dư luận bức xúc, người dân quan tâm như: Đạo đức, văn hóa ứng xử, xâm hại trẻ em, gian lận thi cử, tội phạm ma túy, đánh bạc, giết người, tai nạn giao thông nghiêm trọng…

    Thời gian tới, ông cho biết Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quốc tế và trong nước; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực.


Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm