Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm sản lượng sau nỗ lực kiềm chế virus corona, khởi phát từ Trung Quốc cuối năm ngoái, khiến cho công nghiệp, giao thông, mua sắm đều bị đình trệ.
Sau đó, dịch bệnh lan đến nhiều nền kinh tế lớn khác, dẫn đến các lệnh phong tỏa tương tự, khiến thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề. Nhu cầu giảm xuống trên thế giới nhiều khả năng sẽ khiến sự phục hồi của Trung Quốc lâu hơn dự kiến ban đầu.
Con số giảm GDP quý nói trên cao hơn dự báo 6,5% theo thăm dò của Reuters, trái ngược với mức tăng trưởng 6% trong quý IV của năm 2019.
So sánh từng quý, GDP Trung Quốc giảm 9,8% trong ba tháng đầu của năm, theo Reuters.
Một tàu container ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Trước đó, các nhà phân tích ước tính 30 triệu người sẽ mất việc trong năm nay do các nhà máy đóng cửa và nhu cầu trên thế giới giảm mạnh, vượt trên mức 20 triệu người mất việc trong khủng hoảng tài chính 2008-2009, theo Reuters.
Công ty tài chính Nomura ước tính Trung Quốc có thể mất khoảng 18 triệu việc làm trong ngành xuất khẩu - gần 1/3 số lao động trong ngành này, theo AFP.
Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc giảm 1,1% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu bán lẻ giảm 15,8% trong tháng 3, sau khi đã giảm 20,5% trong hai tháng đầu năm vì người dân phải ở nhà trên gần như cả nước, và đa số hàng quán, cửa tiệm phải đóng cửa.
Đầu tư tài sản cố định giảm 16,1% trong tháng 1-3, sau khi đã giảm 24,5% trong hai tháng đầu năm - cũng là lần đầu tiên con số này giảm.
Đầu tư tài sản cố định khu vực tư nhân, chiếm 60% tổng đầu tư của Trung Quốc, giảm 18,8% trong quý I của năm. Con số này giảm 26,4% trong hai tháng đầu năm.
Dù Trung Quốc đa phần đang kiểm soát được virus, nhà chức trách lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai, và giới phân tích cảnh báo sẽ mất nhiều tháng trước khi nền kinh tế có thể hồi phục, theo Reuters.