Dù rất khó định lượng, nhưng trong một “thế giới phẳng”, việc Tết ta lệch với Tết tây rõ ràng có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đa số ý kiến cho rằng ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn tích cực.
Một số chuyên gia đưa ra quan điểm nghỉ Tết ta có thể làm GDP giảm từ 2 đến 5%. Các ý kiến khác, thận trọng hơn cho biết, trong vòng 10 năm trở lại đây (từ quý I/2005 đến quý IV/2014), GDP trung bình của quý I (tức là quý có Tết) chỉ chiếm khoảng 18% GDP của cả năm (nếu GDP được dàn đều trong bốn quý thì phải là 25%).
Dù sự sụt giảm này còn do những yếu tố mùa vụ khác như thời tiết, tập quán canh tác hay thương mại quốc tế, đặc biệt là sự “trễ nải” trong giải ngân cho đầu tư công, nhưng theo luồng ý kiến này, nếu loại bỏ tất cả các yếu tố mùa vụ, bao gồm cả việc bỏ Tết ta thì GDP của quý Isẽ tăng so với hiện tại khoảng 38%. Nhưng nhìn từ một khía cạnh khác, lễ hội cũng là một hình thức kích cầu (không tính đến kiểu tùy tiện tăng giá, đầu cơ trục lợi hay “buôn thần bán thánh”, vừa bán vừa “dọa” khá phát triển ở nhiều lễ hội hiện nay).
Một số chuyên gia đưa ra quan điểm nghỉ Tết ta có thể làm GDP giảm từ 2 đến 5%.
Đáng lưu ý, nếu bỏ qua khu vực nhà nước mà chỉ bàn tới khu vực tư nhân, tức là khu vực mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự quyết việc nghỉ Tết hay hoạt động bình thường căn cứ vào tính toán riêng của các chủ doanh nghiệp, thì điều gì sẽ xảy ra?
Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, có ba lý do để một công ty ngừng hoạt động. Một là không có cầu. Hai là có cầu nhưng chi phí sản xuất dịp Tết cao hơn mức thu lợi. Và ba là cầu ấy đã được tính toán trước và các công ty nghỉ nhưng vẫn có thể đáp ứng.
Chỉ có lý do thứ hai là đáng bàn, với nguyên nhân khiến chi phí tăng cao chủ yếu là khoản chi lương (tăng gấp ba lần ngày thường). Tất nhiên có một yếu tố tác động khác là do khu vực nhà nước nghỉ, nên triệt tiêu một phần cầu của khu vực tư nhân, nhưng có thể tác động không quá lớn…
Từ nhận định này, nhà kinh tế trên cho rằng, việc chuyển dịch dịch ngày nghỉ hay bỏ hẳn ngày nghỉ không thực sự hiệu quả, cách hiệu quả hơn là điều chỉnh mức lương tối thiểu trong dịp nghỉ Tết, cụ thể là hạ xuống cho hợp lý hơn, thuận lòng cả ông chủ lẫn người làm công...
Tất nhiên, các lập luận trên đều cần có sự kiểm chứng thêm, cũng như đều chưa tính toán đầy đủ đến tác động tâm lý xã hội. Giả sử Chính phủ quyết định gộp kỳ nghỉ Tết ta với Tết tây, thậm chí bỏ hẳn việc cho nghỉ Tết (như nước Nhật đã làm) mà xã hội vẫn giữ nếp biếu quà, hội hè rình rang, ngân sách chậm giải ngân cho các dự án đầu tư công trước và sau Tết, người lao động chậm quay lại làm việc đúng hạn thì nỗ lực ấy cũng khó “đẩy” mức tăng trưởng lên như mong muốn.