Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Lào

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.

Nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) là hướng đi quan trọng, có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng bền vững, hội nhập và cạnh tranh. Nhưng đây đang là điểm yếu của Việt Nam khi NSLĐ được xếp ở nhóm thấp nhất của chu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cần phải làm những gì để cải thiện tình trạng này?

NSLĐ của Việt Nam chỉ hơn Myanmar và Campuchia

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), NSLĐ của Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia.

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 19/11/2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã nêu ra một số thông tin đáng chú ý, theo đó, NSLĐ của người Việt Nam rất thấp so với thế giới và ngay cả khu vực. Số liệu thống kê của Tổ chức năng suất châu Á cho thấy, NSLĐ của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN.

Trong 3 năm 2011-2013, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam chỉ hơn 3%/năm, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Tức là NSLĐ còn tăng chậm hơn cả tăng GDP quốc gia. Đây cũng là một cảnh báo, nếu Việt Nam vẫn không có những điều chỉnh kịp thời thì tốc độ tăng chậm của NSLĐ sẽ kéo tăng trưởng GDP quốc gia xuống và Việt Nam sẽ rất khó đạt được mục tiêu của một nước công nghiệp hóa.

Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN.

Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN.

Một thực tế đáng chú ý, hiện có một khoảng cách rất khác biệt giữa thi cử và tác nghiệp thực tế của lao động Việt Nam. Lịch sử các kỳ thi tay nghề ASEAN cho thấy, Việt Nam đã ba lần xếp thứ nhất và luôn nằm trong top 3. Gần đây nhất, Việt Nam xếp thứ nhất Hội thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội tháng 10/2014 với 15 huy chương vàng, cách biệt đoàn Malaysia về nhì tới 6 huy chương vàng. Rõ ràng, tay nghề của người lao động Việt Nam thuộc loại nhất, nhì trong khu vực. Thi cử xếp thứ hạng cao, vậy tại sao NSLĐ thực tế Việt Nam luôn thấp nhất khu vực?

Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), các doanh nghiệp đánh giá kỹ năng, kỹ thuật của người lao động không phải là thấp, mà cái yếu là kỹ năng nhận thức và hành vi. Cái mà người lao động đang “thiếu” so với nhu cầu của doanh nghiệp đó là khả năng thích nghi với môi trường làm việc; khả năng giao tiếp, tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp; khả năng tương tác làm việc nhóm; khả năng tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trong xử lý công việc.

Có chung quan điểm này, ông Dương Đức Lân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhìn nhận, bên cạnh đức tính cần cù, chịu khó… lao động Việt Nam còn nhiều điểm yếu như thiếu kiến thức để hội nhập, tính hợp tác rất kém, khả năng tích lũy kinh nghiệm cũng thấp.

Đầu tư cho khoa học-công nghệ là điểm mấu chốt

Việt Nam đã từng tự hào có một nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ. Tuy nhiên, khi lợi thế nguồn nhân công giá rẻ đang mất dần thì Việt Nam lại chưa cải thiện được NSLĐ và trình độ tay nghệ. Đây thực sự là một thách thức lớn khi công đồng kinh tế ASEAN cũng như các hiệp định kinh tế quốc tế có hiệu lực thì việc cạnh tranh nhân lực giá rẻ sẽ không còn lợi thế khi việc chu chuyển lao động và nguồn vốn trở nên tự do hơn.

Chia sẻ vấn đề này tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Nâng cao năng suất lao động-yếu tố tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế" mới đây, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học-Công nghệ cho rằng, DN cần giải quyết rất nhiều yếu tố tác động đến NSLĐ như: công nghệ, cơ cấu kinh tế, trình độ, kỹ năng người lao động, môi trường làm việc, thị trường, thủ tục hành chính.

Trong đó, các chuyên gia luôn xác định, đầu tư cho khoa học-công nghệ là điểm mấu chốt. Các DN Việt hiện đều nhận thức được lợi ích khi đầu tư công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng lại thường gặp khó khăn về vốn. Và hành trình thoát khỏi rốn kém nhất khu vực đang là sự vật vã trong từng mỗi DN.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư công nghệ sát với thực tế và tạo bình đẳng tiếp cận nguồn vốn khoa học công nghệ quốc gia cho các DN.

Tuy nhiên, điều quan trong nhất vẫn là từ phía các doanh nhân. Mỗi doanh nhân phải ý thức và có biện pháp để vượt qua được khó khăn, tìm được nguồn vốn và để dám đầu tư vào cải tiến công nghệ để nâng cao năng suất. Và hơn hết, chính các doanh nhân phải xem đổi mới công nghệ và nâng cao NSLĐ là đòi hỏi sống còn của doanh nghiệp. Điều đó sẽ giúp hóa giải được nghịch lý, người Việt thắng trong các cuộc thi tay nghề khu vực nhưng NSLĐ chỉ bằng 1/5-1/10 so với lao động so với Thái Lan hay Singapore.

Nhiều lao động không đạt mức sống tối thiểu

Tiền lương tối thiểu tăng, doanh nghiệp (DN) cắt giảm nhân công, giảm việc làm. Người lao động (NLĐ) bị sa thải. Nhiều người còn không đạt mức sống tối thiểu.

http://vietq.vn/nang-suat-lao-dong-cua-viet-nam-thap-hon-lao-d54350.html

Theo Viết Cường/ Chất Lượng Việt Nam

Bạn có thể quan tâm