Đội tuyển Anh đang đứng trước cơ hội "ngàn năm có một" để chạm tay vào chiếc cúp vàng đầu tiên kể từ World Cup 1966 được tổ chức trên sân nhà. Ở giải năm nay, "Tam sư" lọt vào nhánh đấu được đánh giá là tương đối dễ dàng và đã đi vào tới trận bán kết.
Với một đội hình giàu sức trẻ có sự góp mặt của nhiều ngôi sao đang thi đấu ở những đội bóng lớn, chưa bao giờ người hâm mộ kỳ vọng ở tuyển Anh nhiều đến vậy. Người đặt nền móng cho cuộc đại cách mạng của "Tam sư" không phải ai khác ngoài HLV Gareth Southgate.
Loại bỏ cái tôi
Từ bên ngoài nhìn vào, có thể thấy đội tuyển Anh đã "thay da đổi thịt" so với những năm tháng trong quá khứ. "Thế hệ vàng" hiện tại có thể không sở hữu khả năng lãnh đạo và lối chơi cứng rắn như những vị tiền bối, song họ chắc chắn đã thể hiện một tinh thần đoàn kết mãnh liệt.
Trước khi World Cup khởi tranh, cựu cầu thủ "Tam sư" Rio Ferdinand đã tiết lộ lý do khiến đội tuyển Anh chơi rời rạc trong quá khứ là bởi sự cạnh tranh ở cấp CLB tại Premiere League là quá lớn. Dù sở hữu những siêu sao như Frank Lampard, Steven Gerrard hay Paul Scholes, họ vẫn không thể giành được danh hiệu.
"Trảm" các công thần là điều HLV Gareth Southgate đã làm để đặt nền móng cho thành công của đội tuyển Anh hiện tại. |
Thế nhưng điều đó đã chấm dứt khi HLV Gareth Southgate lên nắm quyền. Người tiền nhiệm của ông, Sam Allardyce, đã triệu tập 4 công thần gồm Joe Hart, Wayne Rooney, Theo Walcott và Phil Jagielka. Song, cả 4 người này đều bị Southgate gạt ra khỏi danh sách đến Nga tham dự World Cup.
Trong khoảng thời gian ngắn, HLV Southgate đã lặng lẽ loại bỏ các công thần, những người được cho là "tàn dư" của thế hệ cũ. Thay vào đó, ông sử dụng những cầu thủ trẻ giàu nhiệt huyết, dễ uốn nắn và luôn sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu chung của cả đội.
Tin dùng những cầu thủ trẻ
Yếu tố tuổi tác không nên bị cường điệu hóa trong bóng đá. Thông thường, người ta nói rằng những HLV có suy nghĩ sâu sắc thích làm việc với các cầu thủ trẻ hơn bởi ở độ tuổi này, họ sẽ dễ dàng được uốn nắn để phát triển theo ý muốn của HLV.
Pep Guardiola và Mauricio Pochettino là 2 gương mặt tiêu biểu trong số đó và mô hình quản lý của Gareth Southgate cũng dựa trên triết lý này. Tất nhiên, yếu tố kinh nghiệm không phải bị dẹp sang một bên, song cần phải duy trì sự cân bằng. Nếu lựa chọn một trong 2 yếu tố sức trẻ và kinh nghiệm, cầu thủ trẻ vẫn được ưa chuộng hơn.
Không được đánh giá cao, song đội hình trẻ tuổi này đã giúp đội tuyển Anh tiến sâu tại giải đấu năm nay. |
Kết quả là 13 cầu thủ trẻ đã có màn ra mắt trong màu áo "Tam sư" trong vòng 2 năm. Tuyển Anh cũng sở hữu đội hình có độ tuổi trung bình thấp thứ 2 tại World Cup, sau Pháp. Jordan Pickford, Harry Maguire, Ruben Loftus-Cheek và Trent Alexander-Arnold đã trở thành những người được chọn, thay vì Joe Hart, Smalling hay Jack Wilshere và Theo Walcott.
Đây không phải là vấn đề quan hệ cá nhân. Với những người nói rằng "kinh nghiệm thi đấu là thứ bạn không thể mua được", có nhiều đặc điểm của các cầu thủ trẻ cho thấy họ thường có xu hướng chạy mạnh mẽ hơn trên sân: sự sợ hãi, thể lực dồi dào, tốc độ và ham muốn thể hiện bản thân. Điều này đã giúp cho HLV Gareth Southgate sở hữu một đội hình ưng ý nhất của mình.
Giành chiến thắng trước truyền thông
Xét cho cùng, các cầu thủ trẻ cũng là con người và họ muốn có được sự nổi tiếng trước công chúng. Ở cấp CLB, bạn càng thành công bao nhiêu, truyền thông sẽ "chĩa mũi giáo" vào bạn nhiều bấy nhiêu. Tuy nhiên, ở tuyển Anh, nơi kỳ vọng để rồi thất vọng đã trở thành một cái vòng luẩn quẩn, Harry Kane và các đồng đội đã tạo ra một hiệu ứng ngược lại.
HLV Gareth Southgate đã thành công với việc tạo ra một đội tuyển Anh chiếm được cảm tình của giới truyền thông. Thay vì thu mình lại trong các trại huấn luyện 5 sao như thế hệ trước đã làm, chiến lược gia người Anh khuyến khích các cầu thủ xuất hiện trước các phương tiện truyền thông.
Harry Kane chụp ảnh cùng người hâm mộ sau trận thắng trước Colombia ở vòng 1/8. |
Sau chiến thắng trước Colombia, hàng loạt tấm ảnh "selfie" của các cầu thủ với cổ động viên đã được chụp bên ngoài đường pitch. Một tuần trước đó, "Tam sư" thoải mái chơi phi tiêu và nghỉ xả hơi ở bể bơi trước sự có mặt của truyền thông. Mới đây, hậu vệ Kieran Tripper cũng lén chui vào phòng họp báo để trêu đùa người đồng đội John Stones.
Chiến thuật là "ngôi sao" của đội bóng
Nếu như đội tuyển Anh trước đây thường cố gắng nhét nhiều ngôi sao nhất có thể vào đội hình thì giờ đây "Tam sư" đã khác. Sự xuất sắc của "Thế hệ vàng" xứ sở sương mù đã khiến những HLV dẫn dắt đội bóng này không ít lần đau đầu khi giải bài toán Gerrard - Lampard nơi tuyến giữa.
Euro 2016, HLV Roy Hodgson áp dụng sơ đồ 4-1-4-1 và "Tam sư" thất bại toàn diện. 2 năm sau, Gareth Southgate làm điều ngược lại. Ông lên một kế hoạch chi tiết và rõ ràng, nếu có bất cứ vấn đề nào phát sinh, các cầu thủ là người phải thích nghi với điều đó.
Sơ đồ 3-5-2 được vị chiến lược gia này áp dụng đã trở nên quá quen thuộc với các cầu thủ khi họ thi đấu ở cấp CLB. HLV Southgate đã thiết lập một phương án chiến thuật bằng cách lựa chọn những cầu thủ phù hợp.
Đó cũng chính là lý do khiến Gary Cahill, Phil Jones hay Chris Smalling, những hậu vệ trước đây được truyền thông Anh đánh giá rất cao, đều phải ngồi dự bị hoặc xem World Cup trên ghế sofa để nhường chỗ cho lớp trẻ.
Phá vỡ lời nguyền penalty
Lần đầu tiên sau 22 năm, "Tam sư" giành chiến thắng trong loạt sút luân lưu ở một giải đấu lớn. Trước đó, đội tuyển Anh đã thất bại tới 5 lần. Do vậy, chiến thắng trước Colombia trên chấm phạt đền, qua đó giành tấm vé vào tứ kết, không phải là điều bình thường đối với HLV Gareth Southgate và các học trò.
Điều đầu tiên và cũng là quan trọng nhất, ông đã dẹp bỏ một khái niệm ngớ ngẩn cho rằng sút penalty phụ thuộc vào may mắn giống như chơi xổ số. HLV Southgate chia sẻ: "Đó không phải may rủi. Chiến thắng loạt sút penalty dựa vào khả năng thực hiện một kỹ năng dưới áp lực lớn".
Lần đầu tiên trong lịch sử World Cup đội tuyển Anh giành chiến thắng trên loạt sút luân lưu. Đồ họa: Minh Phúc. |
Penalty đã trở thành nỗi ám ảnh với "Tam sư" trong hơn 2 thập kỷ. Họ sợ phải quyết định trận đấu trên chấm luân lưu bởi họ đá quá tệ và họ đá quá tệ bởi họ luôn sợ hãi, như một vòng luẩn quẩn.
Gareth Southgate là người có kinh nghiệm trong chuyện này bởi ông chính là cầu thủ sút hỏng quả penalty của đội tuyển Anh tại Euro 1996, trong trận bán kết với "Die Mannschaft".
Tuy nhiên, kể từ khi dẫn dắt đội tuyển quốc gia, ông đã có một thay đổi mang tính bước ngoặt, tạo nên một cuộc cách mạng về tư tưởng cho các cầu thủ "Tam sư". Thay vì "giơ tay lên nếu bạn muốn thực hiện cú sút penalty", HLV Gareth Southgate có một danh sách đầy đủ các cầu thủ có khả năng làm điều đó.
Chiến thắng trước Colombia đã "phá dớp" thất bại trên chấm phạt đền của đội tuyển Anh, cùng với việc vượt qua Thụy Điển với tỉ số 2-0 ở tứ kết, thầy trò HLV Gareth Southgate đã chính thức trở thành 1 trong 4 đội bóng mạnh nhất. Nếu "Tam sư" giành được chức vô địch World Cup năm nay, công lớn nhất phải thuộc về vị "kiến trúc sư" đại tài 47 tuổi này.