Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - đã hạn chế xuất khẩu đối với một số loại gạo. Theo CNBC, tập đoàn dịch vụ tài chính Nomura cho rằng chính sách này sẽ ảnh hưởng đến mọi quốc gia châu Á.
Nhằm kiểm soát giá trong nước, chính phủ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại gạo kể từ ngày 9/9.
Ấn Độ chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu trên toàn cầu. 150 quốc gia trên thế giới là khách hàng của Ấn Độ với tổng nhập khẩu lên tới 21,5 triệu tấn trong năm ngoái.
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế xuất khẩu 20% đối với một số loại gạo. Ảnh: Reuters. |
Việt Nam, Thái Lan hưởng lợi
Theo Reuters, xuất khẩu gạo của riêng Ấn Độ đã lớn hơn tổng xuất khẩu của 4 nước xuất khẩu ngũ cốc thuộc top 5 thế giới, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Mỹ.
Theo Nomura, Thái Lan và Việt Nam sẽ hưởng lợi nhờ lệnh cấm của Ấn Độ. Nhiều quốc gia tìm đến các sản phẩm gạo của Thái Lan và Việt Nam để lấp đầy khoảng trống về nguồn cung mà Ấn Độ để lại.
Doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các công ty Ấn Độ để xác định xu hướng, nhu cầu thị trường nhằm mở rộng xuất khẩu
TS Lê Đăng Doanh
Theo báo cáo được công ty nghiên cứu Global Information được công bố trong tháng 7, sản lượng gạo của Việt Nam đạt khoảng 44 triệu tấn trong năm 2021. Xuất khẩu gạo đã mang về 3,133 tỷ USD cho Việt Nam.
Mới đây, tại Hội thảo “Phân tích tình hình kinh tế Việt Nam 2022- 2023 và tác động đến doanh nghiệp", TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cũng cho rằng chính sách cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ tạo ra lợi thế cho Việt Nam.
"Doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các công ty Ấn Độ để xác định xu hướng, nhu cầu thị trường nhằm mở rộng xuất khẩu", ông khẳng định.
Trong khi đó, dữ liệu từ Statista cho thấy Thái Lan sản xuất 21,4 triệu tấn gạo vào năm 2021, tăng 2,18 triệu tấn so với năm trước.
"Với sự gia tăng xuất khẩu và lệnh cấm của Ấn Độ gây áp lực lên giá gạo, tổng giá trị xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam sẽ tăng lên, giúp hai quốc gia hưởng lợi", CNBC nhận định.
Theo bà Sonal Varma - nhà kinh tế trưởng tại Nomura, các doanh nghiệp đang nhập khẩu gạo từ Ấn Độ sẽ tìm cách chuyển sang Thái Lan và Việt Nam.
Philippines, Indonesia chịu ảnh hưởng lớn
Kể từ ngày 2/9, sản lượng gạo của Ấn Độ đã lao dốc 5,6% so với cùng kỳ năm trước do lượng mưa dưới mức trung bình ảnh hưởng đến vụ mùa.
Lượng mưa tại các bang sản xuất gạo lớn của Ấn Độ như Tây Bengal, Bihar và Uttar Pradesh thấp hơn mức trung bình 30-40%. Đầu năm nay, quốc gia Nam Á cũng hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường để bình ổn giá cả trong nước khi xung đột Nga - Ukraine đẩy thị trường lương thực toàn cầu vào hỗn loạn.
Mới đây, chính phủ Ấn Độ thông báo sản lượng gạo từ tháng 6 đến tháng 10 có thể giảm 10-12 triệu tấn, khoảng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Tác động của lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các nước nhập khẩu gạo của Ấn Độ, và gián tiếp tới mọi quốc gia nhập khẩu gạo", báo cáo của Nomura nêu.
Theo Nomura, trong tháng 7, giá gạo trên các thị trường bán lẻ đã tăng khoảng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại châu Á, Philippines - quốc gia nhập khẩu hơn 20% lượng gạo tiêu thụ - đối mặt với nguy cơ tăng giá cao nhất.
Tác động của lệnh cấm xuất khẩu gạo có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các nước nhập khẩu gạo của Ấn Độ. Ảnh: Reuters. |
Theo Statista, gạo và các sản phẩm từ gạo chiếm tỷ trọng 25% trong rổ lương thực tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Philippines, cao nhất trong khu vực.
Số liệu của Cơ quan Thống kê Philippines chỉ ra trong tháng 8, lạm phát tại nước này đã tăng lên 6,3%, vượt xa mục tiêu 2-4% của ngân hàng trung ương. CNBC cho rằng lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ là đòn giáng mạnh vào quốc gia Đông Nam Á.
Lệnh cấm cũng là tin xấu với Indonesia, nước nhập khẩu 2,1% lượng gạo tiêu thụ. Theo Statista, gạo chiếm khoảng 15% rổ lương thực tính CPI của nước này.
Trong khi đó, một số quốc gia như Singapore có thể chịu tác động nhỏ hơn. Gạo tại Singapore được nhập khẩu hoàn toàn, trong đó 28,07% lượng gạo đến từ Ấn Độ. Tuy nhiên, gạo chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong rổ hàng hóa tính CPI của đảo quốc.