Giá gạo ST25 liên tục tăng tại các chợ và đại lý ở TP.HCM, Hà Nội. Ảnh: Cửa hàng gạo Phương Nam. |
Chị Ngọc Hà (nhân viên văn phòng, sống tại TP Thủ Đức, TP.HCM) cho biết cửa hàng gạo quen vừa báo giá gạo ST25 trồng hữu cơ đã tăng từ 30.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg. Riêng gạo lứt tăng từ 35.000-40.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg.
"Thấy giá tăng nên tôi có thử hỏi thêm một số cửa hàng khác, nhưng đa số cũng bán gạo ST25 loại túi 5 kg với giá khoảng 36.000-40.000 đồng/kg. Mọi người đều bảo gạo ST25 đang tăng giá mạnh", chị chia sẻ.
Thông thường, chị Ngọc Hà mua một lần 20-30 kg gạo cho gia đình và bố mẹ. Tuy nhiên, do giá gạo đang tăng cao nên chị tạm thời chuyển sang mua trước 15 kg.
Thực tế, theo khảo sát của Tri Thức - Znews tại một đại lý gạo thuộc CTCP Lương thực Phương Nam ở quận 3, TP.HCM, trong khi các loại gạo khác nhìn chung đều giữ mức giá ổn định, thì gạo ST25 Ông Cua lại trải qua 2 đợt tăng giá chỉ trong tháng 9 vừa qua.
"Lần đầu tăng 2.000 đồng mỗi kg và sau đó tăng tiếp 1.500 đồng/kg. Hiện tại, công ty vẫn chưa thông báo giá gạo có tiếp tục thay đổi trong tháng 10 hay không", đại diện cửa hàng nói thêm.
Hiện tại, gạo ST25 Ông Cua có giá bán lẻ tại cửa hàng này là 40.000 đồng/kg, còn gạo ST25 Lúa - Tôm được bán với giá 43.000 đồng/kg.
Trên trang web chính thức của Doanh Nghiệp Tư Nhân Hồ Quang Trí - đơn vị phân phối chính thức sản phẩm gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua, giá bán lẻ gạo ST25 được niêm yết ở mức 44.400 đồng/kg và gạo ST25 Lúa - Tôm có giá 47.400 đồng/kg.
Tại thị trường Hà Nội, giá gạo ST25 bao 10kg cũng đã tăng từ mức 300.000 đồng/bao lên 350.000 đồng/bao. Các chủ đại lý gạo cho biết mức tăng này đã được áp dụng từ cuối tháng 9. Trước đó, gạo ST25 cũng đã có một đợt tăng giá vào đầu tháng.
Giám đốc một hợp tác xã ở Đồng Nai cho rằng giá gạo ST25 thời gian tới có thể tiếp tục tăng. Ông cho biết trừ những nơi giả danh ST25, còn nếu trồng giống lúa do công ty của ông Hồ Quang Cua phân phối thì đều đang phải trả mức giá cao hơn để mua giống.
"Trước đây, giá giống chuẩn mua từ công ty ông Cua khoảng 20.000 đồng/kg, vừa rồi đã tăng lên 25.000 đồng/kg. Chỉ có mua giống thường khoảng 8.000-10.000 đồng/kg thì may ra mới có gạo thành phẩm dưới 30.000 đồng/kg. Tôi được biết đây cũng là chủ trương của công ty để định hình rõ giá trị thương hiệu gạo ST25", vị này chia sẻ.
Các loại gạo khác được bán tại chợ dân sinh vẫn giữ mức giá ổn định. Ảnh: Anh Nguyễn. |
Mặt khác, theo ông, thực tế giống gạo ST25 đòi hỏi kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc tốt, đặc biệt nếu trồng theo phương pháp hữu cơ thì năng suất khó cao, chưa kể gặp thời tiết không thuận lợi như gần đây. Vì vậy, sau thời gian nông dân đổ xô trồng gạo ST25, giờ đây nguồn cung đã thu hẹp nên giá có phần tăng.
Đồng thời, các nguyên liệu đầu vào khác cũng đang không ngừng tăng giá, từ đất đai, phân bón cho đến nhân công. "Có thời điểm tôi thuê nhân công thời vụ, họ đòi đến 1 triệu đồng/ngày/người nhưng vẫn phải thuê vì giờ rất ít người chịu làm ruộng", ông nói thêm.
Hiện tại, ở các chợ truyền thống, người tiêu dùng cũng đang phải chi trả cao hơn để mua gạo ST25. Đại diện cửa hàng gạo An Bình Phát (quận Tân Phú, TP.HCM) chia sẻ giá gạo ST25 thường đã trải qua 3 lần tăng giá trong thời gian gần đây. Cụ thể, gạo ST25 tăng từ 37.000 đồng/kg lần lượt lên 39.000 đồng/kg và hiện là 40.500 đồng/kg. Còn gạo ST25 Lúa - Tôm cách đây không lâu đã tăng lên 39.000-41.000 đồng/kg và đang dừng ở mức 42.500 đồng/kg.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.