Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gạo siêu sạch, gạo thảo dược hút người dùng

Dù giá cao hơn so với hàng thường từ 2-4 lần, các sản phẩm gạo siêu sạch, gạo chức năng, gạo thảo dược...được chuộng nhờ công nghệ tốt và đánh trúng tâm lý khách hàng.

Gạo siêu sạch

Thứ sáu cuối tuần, chị Phạm Phương Hồng (Q.2, TP.HCM) lại ghé một cửa hàng thực phẩm sạch ở Q.3 để mua thực phẩm cho gia đình. Ngoài những loại rau củ và thịt cá, chị Hồng không quên mua loại gạo hữu cơ được chuyển vào từ Hà Nội. Chị Hồng cho hay cách đây hơn một tháng được bạn giới thiệu loại gạo này nên chị đến tìm hiểu thử và từ đó ghiền luôn. Một số người bạn được chị Hồng giới thiệu mua về ăn thử cũng có cảm nhận tương tự, dù giá gạo này bán đắt gấp đôi gạo thường (gần 40.000 đồng/kg). “Lúc đầu tôi đến cũng chỉ xem xét thế nào thôi vì gạo sạch đâu đâu cũng quảng cáo. Nhưng khi cầm túi gạo lên xem thì có cảm tình và tin tưởng liền”, chị Hồng cho biết. 

Ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển từ gạo thường sang dùng các loại gạo siêu sạch, gạo chức năng trong bữa cơm hằng ngày.
Ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển từ gạo thường sang dùng các loại gạo siêu sạch, gạo chức năng trong bữa cơm hằng ngày.

Gạo không phải là thuốc

Theo bác sĩ Lương Lễ Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp TP. HCM, gạo mầm có chứa hàm lượng chất gaba (gamma aminobutyric acid) - một hoạt chất giúp điều hòa thần kinh và hệ thống tim mạch - cao hơn gạo trắng nên có tác dụng ổn định đường huyết.

Tuy nhiên, gạo mầm chỉ có tác dụng không gây bội tăng đường huyết sau bữa ăn chứ không phải là thuốc chữa tiểu đường. Nhiều người bị tiểu đường nghe thông tin không chính xác có thể nghĩ ăn gạo này thì ngưng được uống thuốc hoặc ăn càng nhiều càng tốt là không đúng. Gạo này chỉ có tác dụng ổn định được đường huyết và vì ăn được nhiều hơn gạo thường (1,5-2 chén so với chỉ tối đa một chén cơm) nên người bệnh có cảm giác ăn no, chắc bụng để ngủ ngon hơn, qua đó ngừa được các biến chứng của tiểu đường.

Dù bao bì thiết kế không đẹp, lại in bằng máy in văn phòng nhưng thông tin trên các loại gạo này lại rất đầy đủ. Chỉ cần lật mặt sau bao gạo lên người mua sẽ biết được giống gạo gì, trồng ở đâu, trồng ngày nào, thu hoạch ngày nào và đóng gói ngày nào. Cẩn thận hơn, trên mỗi bao gạo còn có chữ ký viết tay của đại diện nhóm nông dân, người phụ trách dự án và cán bộ kỹ thuật.

“Ban đầu tin là mua nhưng quyết định chuyển hẳn sang dùng gạo này thì phải qua vài ngày ăn thử”, chị Hồng cho biết. Dù đã tìm hiểu quy trình trồng lúa hữu cơ tức là chỉ dùng phân bón hữu cơ, không dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu hóa học nhưng cũng cần phải ngon mới dùng được lâu dài. “Bữa cơm đầu tiên nấu bằng gạo hữu cơ không được các thành viên gia đình ưng ý, vì hơi khô do tôi chưa quen nấu, và vị cám nhiều nên khó ăn. Nhưng sau bữa thứ hai trở đi thì cả nhà đã ghiền rồi và không ăn gạo mua ngoài chợ nữa”.

Cũng như chị Hồng, ngày càng có nhiều bà nội trợ chọn mua các loại gạo rõ ràng nguồn gốc, làm theo các chứng nhận quốc gia, quốc tế như gạo VietGAP, gạo Global GAP, gạo Organic... Theo ông Võ Minh Khải - Giám đốc công ty Viễn Phú (Cà Mau), ban đầu công ty lấy chứng nhận hữu cơ quốc tế cho vùng trồng gạo tại Kiên Giang với định hướng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp. Tuy nhiên, khi sản phẩm ra thị trường lại được người tiêu dùng trong nước sử dụng rất nhiều. Đến nay, lượng tiêu thụ trong nước còn vượt cả lượng gạo xuất khẩu.

Doanh nghiệp tư nhân Cỏ May (Đồng Tháp) cũng vừa đưa ra thị trường thương hiệu gạo Nosavina gồm ba loại là lài đông xuân, sen hè thu và cúc thu đông tương ứng với ba mùa vụ chính tại Việt Nam. “Trên mỗi bao bì của chúng tôi đều có mã QR, khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc bằng cách dùng điện thoại di động quét mã hoặc vào trang web để tìm hiểu bao gạo đó được lấy từ lúa trồng ở đâu”, ông Nhâm Bá Phương, đồng sáng lập thương hiệu gạo Nosavina, nói.

Theo ông Phương, người tiêu dùng Việt Nam cũng như quốc tế đều rất thích loại gạo vừa ngon vừa ổn định. Gạo Việt Nam có lợi thế luôn là gạo mới, từ khi gặt đến khi xay xát và đưa ra thị trường không quá ba tháng, trong khi gạo nước ngoài thường là gạo đã trữ trong kho từ sáu tháng đến trên một năm. Ngoài phẩm chất hạt gạo, người tiêu dùng ngày càng quan tâm hơn đến độ an toàn. Do đó, doanh nghiệp này đã bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng vùng nguyên liệu và nhà máy chế biến gạo đạt chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế (HACCP) để sản xuất gạo sạch.

Gạo chức năng

Bên cạnh các loại gạo sạch, người tiêu dùng hiện nay cũng có nhiều cơ hội để mua các loại gạo có chức năng cung cấp các loại dưỡng chất và hỗ trợ chữa bệnh. Theo ông Võ Minh Khải, bên cạnh gạo hữu cơ trắng, Viễn Phú còn có các loại gạo màu (đen, tím, đỏ). Đây là các loại gạo đã được phân tích có hàm lượng các chất dinh dưỡng, khoáng chất cao hơn hẳn so với gạo thường. Giá gạo hữu cơ cũng khá cao, từ 45.000-75.000 đồng/kg tùy loại.

Tương tự, công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đã đưa ra thị trường loại gạo mầm Vibigaba thích hợp cho người bị bệnh tiểu đường sử dụng để ổn định hàm lượng đường trong máu. Theo ông Phạm Thanh Thọ - Phó giám đốc ngành hàng lương thực AGPPS, gạo mầm này được sản xuất từ giống lúa mùa BN1 do công ty AGPPS nghiên cứu, mỗi năm chỉ trồng được một vụ và chỉ một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long trồng được như vùng Bảy Núi An Giang, một số vùng lúa tôm ở bán đảo Cà Mau... Sau khi thu hoạch, lúa được sấy khô và bảo quản trong điều kiện như bảo quản lúa giống để giữ tỷ lệ nảy mầm đạt 90% trở lên. Quy trình sản xuất gạo mầm gồm các bước ngâm - ủ - thanh trùng - sấy - bóc vỏ, nhưng không dễ vì đòi hỏi kỹ thuật cao về các điều kiện bên ngoài, nếu không đảm bảo thì độ nảy mầm không đều hay không đúng sẽ giảm lượng gaba trong hạt gạo.

Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM, gạo mầm đã được các nước như Nhật Bản, Thái Lan nghiên cứu sản xuất từ lâu. Loại gạo này tốt hơn gạo lứt, vì bên cạnh việc giữ lại lớp cám bao bọc bên ngoài chứa chất xơ, còn giúp chỉ số đường huyết thấp. Mặt khác, thành phần phôi chứa tới 50% chất đạm được giữ nguyên trong hạt gạo mầm giúp hạt gạo có hàm lượng đạm cao, làm chậm mức gia tăng đường huyết sau ăn. Do đó, loại gạo này có thể sử dụng để xây dựng chế độ ăn cho người đái tháo đường, và người bình thường nếu có điều kiện dùng cũng rất tốt.

Ông Phạm Thanh Thọ cho biết dù giá bán khá cao so với gạo thường (70.000 đồng/kg) nhưng gạo mầm Vibigaba đã được người tiêu dùng đón nhận rất tốt. Chỉ mới đưa ra thị trường cuối năm ngoái nhưng công ty đã tiêu thụ được 150 tấn và dự kiến năm 2014 sẽ tiêu thụ 400-500 tấn. Công ty đang xúc tiến để xuất khẩu gạo mầm sang các thị trường Singapore, Trung Đông. “Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch nâng diện tích trồng loại gạo này từ 500 ha của năm 2014 lên 1.000-2.000 ha trong năm tới. Ngoài ra, AGPPS sẽ ra mắt sản phẩm Vibigaba nghệ dành cho người đau dạ dày”, ông Thọ nói.

http://tuoitre.vn/Kinh-te/601591/gao-sieu-sach-gao-thao-duoc-hut-nguoi-dung.html

Theo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm