Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tính đến hết tháng 3 năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tổng cộng 7,038 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán. Trong đó, số lượng tài khoản giao dịch trong nước đạt gần 6,979 triệu tài khoản, chiếm khoảng 99,2%.
Số liệu kể trên đồng nghĩa với việc thị trường đã đón nhận thêm 39.802 tài khoản giao dịch chứng khoán được mở mới trong tháng 3. Số lượng mở mới chỉ nhỉnh hơn đôi chút so với mức thấp kỷ lục trong vòng 30 tháng ghi nhận vào tháng 1 đầu năm nay (36.182).
Trong số tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới, có 39.428 tài khoản do nhà đầu tư trong nước đứng tên, con số này giảm gần 40% so với lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước mở mới vào tháng trước (63.731 tài khoản).
Bên cạnh đó, nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng mở mới 124 tài khoản trong tháng vừa qua, giảm 7% so với số mở mới tháng 2.
Số lượng tài khoản chứng khoán mở mới từ 2022-nay | ||||||||||||||||
Nguồn: VSD; Tổng hợp. | ||||||||||||||||
Nhãn | Tháng 1/2022 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | Tháng 1/2023 | 2 | 3 | |
Số tài khoản tăng thêm/tháng | tài khoản/tháng | 194835 | 211145 | 270636 | 231275 | 476711 | 466483 | 196198 | 152873 | 102213 | 96601 | 88695 | 99195 | 36182 | 64040 | 39802 |
Tổng số tài khoản mở | tổng tài khoản | 4505046 | 4716191 | 4986827 | 5218102 | 5694813 | 6161296 | 6357494 | 6510367 | 6612580 | 6709181 | 6797876 | 6897071 | 6933253 | 6997293 | 7037095 |
Với nhà đầu tư nước ngoài, VSD cho biết nhóm này đã mở mới 268 tài khoản trong tháng vừa qua, nâng tổng số tài khoản giao dịch do khối ngoại đứng tên lên 43.297 đơn vị. Trong đó, đa số thuộc về nhà đầu tư cá nhân với 38.897 tài khoản, còn lại 4.382 tài khoản là do tổ chức nước ngoài đại diện.
Như vậy, kể từ đầu năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận thêm 140.024 tài khoản giao dịch mở mới. Con số này chỉ đạt khoảng 5% tổng số tài khoản mở mới trong năm ngoái.
Sự sụt giảm lượng tài khoản mở mới cũng kéo theo giao dịch ngày càng ảm đạm. Giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân trên HoSE đã giảm 3 tháng liên tiếp xuống dưới 8.000 tỷ đồng/phiên trong tháng vừa qua.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 4, thị trường ghi nhận những chuỗi tăng ấn tượng. Kết phiên giao dịch 6/4, thanh khoản thị trường tăng vọt với tổng giá trị giao dịch trên các sàn đạt hơn 18.680 tỷ đồng. Riêng thanh khoản sàn HoSE chiếm gần 15.790 tỷ đồng, tăng 22% so với hôm qua và là mức cao nhất kể từ 20/12/2022 đến nay.
Thị trường có chuỗi tăng điểm ấn tượng trong bối cảnh NHNN phát đi thông điệp khá rõ ràng về đảo chiều chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, được xem là yếu tố hỗ trợ tích cực cho xu hướng chứng khoán những quý tới.
Thống kê cho thấy chứng khoán thường có diễn biến tích cực trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng. Tuy nhiên, hiệu ứng sẽ khó phản ứng mạnh trong một tuần, một tháng mà cần thời gian bằng quý, bằng năm bởi chính sách cần có thời gian thẩm thấu vào nền kinh tế.
Chứng khoán MB tin rằng thị trường chứng khoán trong tháng 4 sẽ thẩm thấu các các thông tin vĩ mô và mùa báo cáo kinh doanh quý đầu năm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.