Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 3.300 tỷ đồng vào bắt đáy, cổ phiếu Novaland vẫn nằm sàn

Áp lực bán quyết liệt khiến cổ phiếu NVL tiếp tục giảm sàn trắng bên mua, dù trước đó đã khớp lệnh kỷ lục hơn 128,5 triệu cổ phiếu trong phiên, với giá trị gần 3.300 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại phiên giao dịch ngày 22/11 với tâm điểm đổ dồn về mã NVL của Novaland với khối lượng khớp lệnh kỷ lục 128,5 triệu cổ phiếu, tương đương 6,5% vốn công ty và chiếm gần 14% tổng lượng giao dịch trên sàn niêm yết HoSE.

Tổng giá trị giao dịch cổ phiếu NVL trong phiên hôm nay cũng đạt xấp xỉ 3.300 tỷ đồng.

Trong phiên, với gần 100 triệu cổ phiếu được khớp giá sàn, cổ đông Novaland tưởng chừng được "giải cứu" sau chuỗi ngày mất thanh khoản, tuy nhiên, áp lực bán tăng trở lại trong phiên chiều đã đẩy mã chứng khoán này trở lại giá sàn và vẫn còn dư bán hàng chục triệu cổ phiếu, đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư đã mua trong hôm nay.

Với việc giải cứu bất thành, cổ phiếu NVL tiếp tục ghi nhận phiên giảm sàn thứ 14 liên tiếp, hiện cố định ở mức 25.350 đồng/đơn vị, tức mất 64% kể từ đầu tháng đến nay. Giá trị vốn hóa doanh nghiệp bất động sản này theo đó giảm về còn 49.400 tỷ đồng.

Cùng chung diễn biến phiên hôm nay, cổ phiếu PDR của Bất động sản Phát Đạt cũng có tín hiệu tích cực trong phiên sáng khi khớp lệnh gần 35 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, khối lượng này quá ít so với áp lực bán quyết liệt từ các nhà đầu tư. Hiện tại, cổ phiếu bất động sản này vẫn còn khối lượng dư bán giá sàn hơn 80,5 triệu cổ phiếu và hơn 36 triệu cổ phiếu bán ATC chưa khớp lệnh.

Tương tự NVL, việc giải cứu bất thành đã đánh dấu phiên giảm sàn thứ 13 liên tiếp của PDR, đồng thời là phiên giảm thứ 25 liên tiếp. Hiện thị giá cổ phiếu này chỉ còn giao dịch ở mức 15.950 đồng/đơn vị, mất 68% sau hơn một tháng.

chung khoan,  NVL,  PDR,  giai cuu anh 1

Cổ phiếu NVL không thể thoát cảnh bán sàn dù ghi nhận dòng tiền gần 3.300 tỷ đồng vào bắt đáy. Nguồn: Vietstock Finance.

Với thị trường chung, giao dịch sôi động ở các cổ phiếu bất động sản trên cũng giúp thanh khoản thị trường cao đột biến, đạt 18.293 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản sàn HoSE hôm nay tăng 90% so với hôm qua, đạt 16.672 tỷ.

Thị trường chung tiếp tục diễn biến phân hóa với nhiều cổ phiếu tiếp tục chuỗi thăng hoa lên mức giá trần, trong khi nhiều cổ phiếu lại giảm khá sâu, gây tác động tiêu cực lên chỉ số.

VN-Index biến động mạnh trong phiên theo xu hướng dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số giảm mạnh khi mở cửa, tăng cao trong thời điểm NVL, PDR được giải cứu nhưng rồi lại kết phiên trong sắc đỏ.

Đến cuối ngày, chỉ số đại diện sàn niêm yết HoSE đóng cửa giảm 8,53 điểm (-0,89%) về mức 952,12 điểm. Trong khi đó, chỉ số đại diện sàn niêm yết HNX vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 2,26 điểm (1,17%) lên 194,66 điểm. Sàn đại chúng chưa niêm yết UPCoM tăng 1,14%, đạt 68,41 điểm.

Thị trường bị kéo xuống nhiều nhất do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó, VIC của Vingroup giảm sâu 4,7%, xuống 61.000 đồng/cổ phiếu gây tác động tiêu cực nhất. Kế đến là mã VHM của Vinhomes giảm 3,5%; VCB của Vietcombank mất 2%; MSN của Masan giảm 3,5% hay nhóm bất động sản NVL, PDR, BCM.

Ở chiều ngược lại, lực kéo giúp thị trường không giảm sâu đến từ sự đóng góp quan trọng của mã BID (BIDV) với mức tăng mạnh 2,7%, lên 36.450 đồng/cổ phiếu; EIB của Eximbank dư mua giá trần; VNM của Vinamilk tăng 2,1% hay PLX của Petrolimex tăng mạnh 3,6%.

Về dòng tiền, khối tự doanh chứng khoán vẫn diễn biến tiêu cực khi bán ròng 218 tỷ đồng trên HoSE. Trong khi đó khối ngoại đã đảo chiều mạnh khi quay sang mua ròng 255 tỷ đồng, tập trung vào các mã VNM, SSI, MBB.

Cổ phiếu Novaland được giải cứu

Cổ phiếu NVL khớp lệnh kỷ lục gần 113 triệu cổ phiếu trong sáng ngày 22/11 và thoát cảnh mất thanh khoản, dù vậy mã cổ phiếu này vẫn giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm 5%.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm