Việt Nam đang đối mặt làn sóng dịch bệnh thứ 4 với đa biến chủng, đa nguồn lây. Trước những phức tạp của đợt dịch mới, Bộ Y tế đã ban hành thang đánh giá 4 mức độ nguy cơ bùng phát Covid-19 tại các địa phương gồm bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao tương ứng các màu xanh, vàng, cam, đỏ.
Bên cạnh đó, Việt Nam xây dựng bản đồ chung sống an toàn với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, cập nhật trên trang nguyco.antoancovid.vn. Bản đồ giúp đánh giá mức an toàn của từng địa phương, phân tích đặc điểm nhân khẩu học, nguồn lây của các bệnh nhân.
Hơn 50% bệnh nhân Covid-19 là công nhân
Theo thông tin do nhóm phân tích ca bệnh (InfoRe), thuộc dự án bản đồ chung sống an toàn với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, tại Việt Nam, tính đến trưa 8/6, nguồn lây nhiễm nCoV phổ biến nhất là nơi làm việc, từ đồng nghiệp (gần 1.700 ca mắc, chiếm 28%).
Xếp thứ 2 trong nhóm nguồn lây nhiễm nCoV là các F1 tại khu công nghiệp (khoảng 1.400 người, chiếm 24,5%). Bên cạnh đó, 806 người (13,5%) bị nhiễm nCoV do sống cùng nhà, cùng phòng, hộ gia đình với F0.
Đồ họa: Thiên Nhan. |
Kết quả này dựa trên phân tích của 5.955 ca bệnh, tại 12 ổ dịch mà InfoRe có thông tin. Những bệnh nhân này được ghi nhận tại Bắc Giang (3.269), Bắc Ninh (1.067), TP.HCM (452), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (269), Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (155), Vĩnh Phúc (87), Hà Nội (60), Điện Biên (54), Hà Nam (49), Đà Nẵng (219), Lạng Sơn (25), Hưng Yên (1), Hải Dương (27). Ngoài ra, 22 trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài cũng được theo dõi, phân tích nhằm đa dạng hóa số lượng mẫu.
Trong số các bệnh nhân, 64% là nữ, 35,9% là nam. Chủ yếu người bệnh là công nhân (55,4%). Học sinh, sinh viên, giáo viên chiếm 10,6%.
Độ tuổi mắc Covid-19 nhiều nhất là 18-49 với 4.178 người. Thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi có 581 bệnh nhân Covid-19. Nhóm 41-60 tuổi là 910 người và trên 60 tuổi có 284 bệnh nhân.
Trong số những người này, địa điểm tiếp xúc lây bệnh nhiều nhất ở nhóm 18-40 tuổi là tại cơ quan, công ty, nơi làm việc. Thanh, thiếu niên dưới 18 tuổi hầu hết lây từ người thân sống cùng gia đình, ở trọ cùng. Ngoài ra, những bệnh nhân từ 41 tuổi trở lên chủ yếu bị lây nCoV khi đi khám tại bệnh viện, các cơ sở y tế hoặc từ người thân.
Riêng tại TP.HCM, trong số 452 bệnh nhân được theo dõi, phân tích, 33,3% người lây từ đồng nghiệp, tại nơi làm việc; 24,53% lây do cùng sinh hoạt tôn giáo; 14,47% lây từ người cùng nhà, phòng, hộ gia đình; 11,95% lây khi tiếp xúc công việc, sinh hoạt hàng ngày; 6,92% nhiễm nCoV khi tiếp xúc anh em họ hàng, người thân; 3,77% mắc Covid-19 khi tiếp xúc hàng xóm; 1,89% lây nhiễm từ người yêu, bạn tình.
Số còn lại mắc Covid-19 do tiếp xúc bạn bè thân thiết thường gặp, người quen, vui chơi, liên hoan, uống rượu, đánh bài.
Làm gì để bảo vệ bản thân?
Hiện nay, đặc điểm lây truyền của nCoV chủ yếu qua các giọt bắn, bề mặt chứa virus và không khí. Một lần ho có thể tạo ra tới 3.000 giọt, mỗi cái hắt hơi tạo ra 10.000 giọt. Những giọt bắn này chứa virus, tồn tại thời gian dài trong không khí, khiến bất kỳ ai ở bán kính 2 m kể từ người mang trùng ho, hắt hơi, hít phải cũng đều có khả năng nhiễm bệnh.
Chưa kể, mỗi lần hắt hơi có thể khiến các giọt bắn bay xa, bám vào các bề mặt. Những môi trường kín, không thông gió càng tạo điều kiện cho virus, nhất là biến chủng lây lan.
Trên thực tế, Việt Nam đã chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng vọt tại các khu công nghiệp. Nguyên nhân là những nơi kín, sử dụng điều hòa, tốc độ lây lan virus nhanh.
Tại các văn phòng, tòa nhà, thang máy cũng là nơi có nguy cơ lây nhiễm nCoV cao. Bởi đây là môi trường khép kín, nhiều người dồn lại ở không gian hẹp trong khoảng thời gian nhất định, nhiều điểm tiếp xúc như nút bấm, nơi quét vân tay.
Chúng ta có thể bị lây nhiễm nCoV khi đi chung thang máy với F0, do đó, bạn cần tuân thủ các quy tắc phòng dịch để bảo vệ bản thân. Ảnh: Getty Images. |
Trước tình trạng này, để bảo vệ bản thân, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật Mỹ, đưa ra khuyến cáo:
- Đeo khẩu trang thường xuyên, đúng cách: Khẩu trang phải che được cả mũi, miệng, không được chạm tay vào mặt ngoài; thải bỏ vào thùng rác có nắp đậy.
- Hạn chế tiếp xúc, không tụ tập nơi đông người, các môi trường kín, không có không khí lưu thông.
- Hạn chế chạm vào các bề mặt ở nơi công cộng như thang máy, tay nắm cửa...
- Che miệng khi ho, hắt hơi
- Rửa sạch tay thường xuyên bằng xà bông
- Vệ sinh nhà cửa, lau chùi các bề mặt bằng cồn, nước khử trùng, giữ cho nhà cửa thông thoáng
- Tại văn phòng, nên hạn chế sử dụng điều hòa, sát khuẩn bàn phím, chỗ ngồi thường xuyên.
- Không nên nói chuyện trong thang máy. Nếu thang máy đông người, bạn nên chờ chuyến sau để đảm bảo giãn cách. Sau khi ấn nút, bạn không nên chạm tay vào khẩu trang, tránh dụi mắt, mũi và cần sử dụng chất khử trùng, xà phòng rửa tay ngay sau khi sử dụng.
- Nếu có triệu chứng ho, sốt, cảm cúm hoặc nghi ngờ nhiễm nCoV cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất qua điện thoại và tự cách ly tại nhà
- Giữ khoảng cách tối thiểu 2 m với những người có triệu chứng ho, sốt
- Tiêm chủng vaccine Covid-19.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.