Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới với 554.226 ca nhiễm virus corona, tăng 29.323 trường hợp so với hôm qua, trong đó 21.994 người chết.
Đa số nhà thờ đóng cửa, trong bối cảnh đã có 42 bang ra lệnh ở nhà nghiêm ngặt. Nhiều nhà thờ dựng thánh giá ở bên ngoài hoặc có các lễ dành cho người lái xe đi qua, được cử hành bởi các linh mục đeo khẩu trang và găng tay cao su.
Nhiều người Mỹ chuyển sang dự thánh lễ qua mạng để kỷ niệm ngày thiêng liêng trong lịch của Thiên chúa giáo, theo Reuters.
Ở bang Louisiana, nhà thờ Life Tabernacle gần Baton Rouge chống lệnh phong tỏa của chính quyền, vẫn tổ chức thánh lễ ngày chủ nhật Phục sinh.
Ở một số bang, việc chính quyền yêu cầu không tổ chức thánh lễ đã dẫn đến kiện tụng liệu nhà nước có quyền cấm người dân thực hành tín ngưỡng hay không, ngay cả giữa một đại dịch.
Một cha xứ nói với giáo dân tại một thánh lễ Phục sinh "lái xe qua" ở Brooksville, Florida. Ảnh: New York Times. |
Ngày 11/4, Tòa án Tối cao bang Kansas phán quyết giữ nguyên một sắc lệnh của bang cấm trên 10 người tụ tập ở các tang lễ hoặc nghi lễ tôn giáo. Phán quyết này là thắng lợi đối với Thống đốc Laura Kelly, của đảng Dân chủ, sau khi hội đồng lập pháp do đảng Cộng hòa nắm giữ muốn đảo ngược sắc lệnh.
Mỹ đã đứng đầu thế giới về số ca tử vong với gần 22.000 nạn nhân, tính đến tối 12/4. Gần 2.000 người tử vong mỗi ngày trong vòng bốn ngày gần đây, nặng nhất là ở thành phố New York.
Theo Reuters, ngay cả như vậy vẫn chưa tính hết số ca tử vong, và New York đang tìm cách điều chỉnh con số khi số người chết ở nhà đang tăng vọt.
Các lệnh phong tỏa ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, và số người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp trong ba tuần qua vượt trên 16 triệu. Tổng thống Trump muốn sớm gỡ bỏ phong tỏa vào ngày 1/5, nhưng giám đốc Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cảnh báo vẫn còn sớm để biết có khả thi hay không.
Một thánh lễ ngày Phục sinh ở Brooklyn được phát trực tiếp, ngày 12/4. Ảnh: New York Times. |
Trong diễn biến mới nhất minh họa cho sự gián đoạn, một trong những nhà máy chế biến thịt lợn lớn nhất ở Mỹ đã phải đóng cửa sau khi các công nhân bị ốm. Chủ nhà máy cảnh báo nước Mỹ đang gần đến tới hạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Hàng chục công nhân khác ở một nhà máy chế biến thịt bò ở Colorado cũng dương tính với Covid-19.
Các quan chức đã nêu ra các dấu hiệu lạc quan cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất của dịch có thể đã qua. Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dẫn đầu nỗ lực chống dịch của Mỹ, nói ông lạc quan một cách thận trọng khi ở New York, tuy có số ca tử vong ở mức kỷ lục, nhưng số ca nhập viện mới đang giảm, và số người mới phải vào chăm sóc đặc biệt (ICU) hay đặt máy thở cũng đều giảm.
“Một khi qua được khúc cua đó, hy vọng sẽ đến lúc giảm mạnh”, ông Fauci nói với CNN. Nhưng “nếu đột nhiên chúng ta quyết định rằng, ‘OK, hãy mở cửa tháng 5, ngày cụ thể nào đó’, rồi cứ thế mở cửa, chắc chắn sẽ có vấn đề”.
Ông Fauci và các chuyên gia y tế nói xét nghiệm diện rộng sẽ là điều cốt yếu để mở lại nền kinh tế, bao gồm xét nghiệm kháng thể để xác định ai đã có bệnh và có thể quay trở lại làm việc an toàn.
Virus corona đã lan rộng tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên tàn thế giới ghi nhận hơn 1,8 triệu ca nhiễm và hơn 114.000 ca tử vong. Mỹ và châu Âu tiếp tục là điểm nóng lớn nhất.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 1.846.680 ca nhiễm và 114.090 ca tử vong do Covid-19 tính tới 13/4, tăng lần lượt 78.825 và 5.809 ca so với hôm qua. 421.497 người đã hồi phục.