Sáng 14/3 (6/2 âm lịch), lễ hội Giằng Bông được dân làng Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội) tổ chức, thu hút gần nghìn người về dự. Hội để cầu những điều may mắn và tốt đẹp nhất cho năm mới.
Nổi bật trong các nghi thức của hội là màn cướp bông. Theo tục lệ, chủ tế sẽ mang lần lượt hai cây bông được làm từ một đoạn tre dài hơn 1 m, xung quanh gắn bông tre ra sân sau khi làm lễ để người tham dự giằng.
Tuy nhiên, nhiều hình ảnh biến tướng, xấu xí đã diễn ra khi xuất hiện nhiều cảnh giẫm đạp, chửi tục, ăn thua đến mức hỗn loạn. Thậm chí, cây bông trước đó còn suýt bị cướp khi chủ tế đang cầm trên tay và chưa mang ra "trận".
Anh Định, một người dân địa phương cho biết, từ xa xưa các cụ đã kể nhiều về lễ hội này. Tương truyền, những ai đoạt hoặc chạm vào cây bông sẽ sinh quý tử và là niềm tự hào của làng xóm, gia đình. "Dù có yếu tố tâm linh nhưng thực ra chỉ là những câu chuyện truyền miệng của dân làng, không có cơ sở để kiểm chứng", anh Định nói.
Ông Xuân (65 tuổi), người làng Sơn Đồng cũng chia sẻ, ý nghĩa của lễ hội là khích lệ và tăng cường sức khỏe cho binh sĩ thời xưa. Thời xa xưa các trai tráng trong làng cũng thi nhau giằng lấy cho được cây bông may mắn nhưng không có nhiều hành động thiếu văn hóa như ngày nay. "Người nâng lên, kẻ hạ xuống, tất cả tạo thành một bầu không khí vô cùng rộn ràng", ông Xuân nói.
"Còn tại lễ hội này trong nhiều năm gần đây có lúc còn xuất hiện cảnh đổ máu. Đánh nhau có, giẫm đạp có, văng tục chửi thề đủ kiểu...", ông Xuân khẳng định.
Lễ hội Giằng Bông có từ thời tướng Lý Phúc Man. Trong một lần đi qua làng Sơn Đồng đã chọn vùng đất này làm nơi đóng quân, tiện cho việc rèn luyện binh lính. Lúc đó, ông mang ngọn tre dài khoảng 1,2 m để quân sĩ tranh tài nhằm chọn ra một người khỏe mạnh, mưu trí nhất.