Lễ hội có nên thay đổi và thay đổi như thế nào để phù hợp hơn trong bối cảnh đất nước đang hội nhập? Lễ hội thay đổi theo hướng hiện đại hay cứ theo lối cũ?
Quá phản cảm
Đó là nhận xét của nhiều bạn đọc về lễ hội chém lợn Ném Thượng (Bắc Ninh), cách cư xử của người tham gia tại lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), lễ khai ấn đền Trần (Nam Định)…
Chị Thu Kiều (ngụ Bình Dương) bức xúc: “Phần hội của lễ hội lẽ ra là để mọi người vui chơi. Nhiều người tham gia thích thể hiện mình, ích kỷ nên khiến lễ hội trở nên bạo lực, hỗn loạn. Những giá trị tích cực của lễ hội đang lu mờ”.
Màn ẩu đả của các nhóm thanh niên để tranh giành quả phết tại lễ hội phết Hiền Quan (Phú Thọ). |
Bạn Hồng Thanh (ĐH Ngân hàng TP HCM) cho biết hình ảnh nhiều người quá khích chen lấn, xô đẩy, cướp lộc rất phản cảm. Lộc của lễ hội khi ấy sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Ông Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng: “Còn tốt đẹp gì khi tham gia lễ hội lại bị giẫm đạp, xô xát, đánh nhau, móc túi,… Thần thánh nào sẽ phù hộ cho những người như vậy?”.
Bà Mỹ Ngân (Bình Thạnh, TP HCM) đề xuất: “Không ít lễ hội ở VN đã bị biến tướng. Các ngành chức năng cần sớm rà soát lại. Lễ hội nào hợp thuần phong mỹ tục VN thì giữ lại phát huy truyền thống dân tộc, lễ hội nào không còn phù hợp nên lấy ý kiến các ngành liên quan mạnh dạn xóa bỏ”.
Cũng lễ hội đó, sao giờ lại phản cảm?
ThS Trịnh Đăng Khoa - Phó phụ trách khoa quản lý văn hóa (ĐH Văn hóa TP HCM) - đã đặt vấn đề như vậy khi trao đổi với TTO. Ông Khoa cho rằng nói lễ hội biến tướng là không chính xác vì cũng lễ hội đó, cũng nghi thức đó nhưng ngày xưa không xảy ra những tình trạng tương tự.
Theo ông Khoa, nhiều lễ hội hiện nay vẫn giữ được nếp sinh hoạt theo phong tục cổ truyền. Tuy nhiên, thái độ ứng xử của người tham gia hôm nay, đặc biệt là những người trẻ, đã có sự thay đổi. Họ thiếu hiểu biết về giá trị và ý nghĩa của lễ hội nên dẫn đến sự thái quá và phản cảm trong hành động.
Chen lấn, xô đẩy nhau để cướp lộc tại lễ khai ấn đền Trần . |
TS Lý Tùng Hiếu (khoa văn hóa học ĐH KHXH&NV TP HCM) cho rằng vai trò của ban tổ chức, chính quyền địa phương và sự phối hợp với lực lượng tại chỗ để đảm bảo lễ hội diễn ra trật tự còn chưa tốt.
Quy mô lễ hội và số lượng lễ hội là “miếng mồi ngon” để kẻ gian trà trộn quấy nhiễu khiến tình hình càng thêm hỗn loạn. Nghiêm trọng hơn, một số lễ hội đã bị thương mại hóa.
Ông Hiếu phân tích: “Thương mại hóa xảy ra ngay trong khâu tổ chức. Ngay cả những người tổ chức lễ hội cũng sinh lòng tham, muốn tổ chức lễ hội thật lớn, thật hoành tráng để có số lượng người tham gia lớn, tiền quyên góp vì vậy cũng lớn theo.
Một số tổ chức kinh doanh tìm thấy thị trường, đối tượng tiềm năng trong lễ hội thì tham gia tài trợ, quảng cáo, bày hàng. Đôi khi họ tác động vào chính quyền địa phương để tự tổ chức thêm những lễ hội hiện đại, mượn màu văn hóa truyền thống để buôn bán”.
Đồng tình công tác tổ chức chưa tốt, nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa TS Nguyễn Nhã cho biết thêm: “Lễ và hội là hai phần không thể tách rời trong một lễ hội. Tuy nhiên, ngược lại truyền thống với phần lễ được thực hiện rất nghiêm chỉnh nên kéo theo phần hội cũng bị ảnh hưởng tương tự, nhiều lễ hội ngày nay chỉ còn tập trung cho phần hội, người tham gia cứ vui chơi thoải mái, thậm chí là thái quá mà thiếu đi ý thức về tâm linh nên muốn làm gì thì làm”.
“Ngày xưa phần lớn người tham gia lễ hội là người lớn. Chỉ trong một số lễ hội phù hợp mới dắt theo trẻ con để giáo dục chúng. Nhờ vậy người trẻ lớn lên rất có ý thức khi tham gia lễ hội”, ông Nhã nói.
Một thanh niên phờ phạc sau khi gắng sức cướp phết . |
Bỏ cái lạc hậu, giữ cái khác biệt
TS Nguyễn Nhã cho rằng trong thời đại hội nhập, du lịch rất quan trọng. Lễ hội phải được tổ chức thế nào để du khách có thể khám phá và tìm những điểm khác biệt.
Tuy nhiên, sự khác biệt không đúng với truyền thống sẽ làm hỏng lễ hội, du khách ghê sợ và không đến nữa. Quan trọng hơn, phải tạo được cho người tham gia cảm giác an toàn khi tham gia lễ hội. Đi lễ hội để chen lấn, ẩu đả thì chẳng ai muốn đi nữa.
Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh) . |
“Cả trong lễ hội và trong đời sống hiện nay luôn khiến người dân bất an, lo sợ. Cơ quan chức năng cần phải quản lý chặt chẽ hơn, hướng dẫn người dân tổ chức lễ hội với quy mô, mức độ phù hợp”, TS Nhã nhấn mạnh.
TS Lý Tùng Hiếu cho rằng chúng ta phải chấp nhận, cân bằng giữa những nghi thức truyền thống và những quan niệm hiện đại. Rõ ràng người VN, bất kể tiến bộ đến đâu vẫn cần những nơi bày tỏ vấn đề về tâm linh.
Nếu cứ lấy quan điểm của nền văn hóa hay quốc gia này để soi chiếu vào lễ hội truyền thống của đất nước ta thì có thể gây phản ứng trong dư luận hoặc hàng loạt lễ hội tại VN sẽ tương tự như bất kỳ lễ hội nào khác trên thế giới.
TS Hiếu khẳng định: “Tất cả lễ hội truyền thống ở mọi nơi đều mang màu sắc văn hóa riêng. Ta cần chấp nhận cái riêng biệt, cái gai, cái sạn của nó và chỉ điều chỉnh, khắc chế sự khác biệt cho phù hợp với không gian, nhãn quan người tham gia vì người tham gia ngày nay là đủ tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền, quốc gia, dân tộc”.
Ông Hiếu đề xuất: “Cần tách bạch lễ hội truyền thống, dân gian phục vụ cho nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của bà con với các sự kiện thương mại, kinh tế mang màu sắc truyền thống. Lễ hội cổ truyền cần được trao cho nhân dân. Chính quyền chỉ nên đóng vai trò giám sát, hỗ trợ và đặt vấn đề để những người tổ chức tự bàn bạc.
3 điều cần quan tâm với lễ hội truyền thống
ThS Trịnh Đăng Khoa - Phó phụ trách khoa quản lý văn hóa (ĐH Văn hóa TP HCM) - cho rằng cần phải đặt ra 3 câu hỏi khi xem xét một lễ hội truyền thống: cái gì cần bảo lưu, cần điều chỉnh, cải biên và cái gì cần bổ sung.
Theo ông Khoa, lễ hội là di sản phi vật thể, là một sản phẩm văn hóa. Bản thân văn hóa luôn vận động và phát triển nên muốn phát triển lễ hội thì phải bảo lưu những giá trị truyền thông. Bảo lưu ở đây được hiểu là bảo lưu trong tư thế luôn vận động và phát triển phù hợp với bối cảnh xã hội.