Lúc 12h22 ngày 14/6, sân bay Tân Sơn Nhất kích hoạt tình huống khẩn nguy sau khi máy bay A321 số hiệu VJ322 của VietJet xông ra khỏi đường băng trong quá trình hạ cánh. Máy bay trượt ra bãi cỏ lề phải đường băng và lao tiếp 650 m mới dừng lại.
Toàn bộ hành khách đều an toàn, nhưng máy bay đã phải nằm lại hiện trường gần 18 giờ vì bánh lốp hư hỏng, lún sâu xuống bùn.
3 lần kéo máy bay bất thành
Tại hiện trường, 2 lốp sau và 1 lốp trước của máy bay ở trên nền đất ướt. Trong đó, một bên lốp sau bị nổ, càng găm xuống bùn lầy.
Máy bay không còn khả năng tự di chuyển nên việc di dời phụ thuộc hết vào máy móc hỗ trợ.
Càng máy bay lún xuống nền đất bùn. Ảnh: Q.A. |
Lực lượng chức năng sớm có mặt tại hiện trường nhưng không thể di dời ngay máy bay. Khoảng hơn 22h, lực lượng quân đội, nhân viên thi công và các thiết bị gồm máy xúc, xe chở đá, xe chở tấm ghi được điều động đến hiện trường để rải đá lên nền đất, lu lèn và lắp đặt tấm ghi để thiết lập đường tạm kéo máy bay.
Từ 1h05 đến 1h40 ngày 15/6, lực lượng chức năng dùng xe chuyên dụng để kéo nhưng 3 lần không thành công do cần đẩy bị gãy chốt và lốp càng sau bị lún sâu xuống nền đất.
Mất thêm 2 tiếng để kỹ sư của VietJet thay lốp càng sau và thử kéo lại. Đến gần 6h, máy bay được kéo lên đường băng, trước khi đưa về nơi sửa chữa.
Lực lượng chức năng sau đó đã thu gom các thiết bị khảo sát, trám vá gần 50 lỗ khoan, vệ sinh toàn bộ đường băng. Từ 8h30 ngày 15/6, đường băng 25L/07R được hoàn trả để khai thác trở lại.
3 mảnh kim loại nghi rơi từ máy bay
Chia sẻ với Zing, hành khách trên chuyến bay gặp sự cố cho biết một tiếng động lớn xuất hiện sau khi máy bay tiếp đất. Quá trình lăn giảm tốc, máy bay trải qua hàng loạt đợt rung lắc dữ dội khiến nhiều người hoảng sợ.
2 phút sau sự cố, xe cứu hỏa lao ra vị trí máy bay nhưng không phát hiện cháy nổ. Đến 12h41, xe thang của SASG được điều đến tiếp cận máy bay nhưng không thể đưa hành khách xuống do nền đất cỏ bị lún, phải yêu cầu thang kỹ thuật của thợ máy hỗ trợ.
Các tấm bạt được đưa tới chân máy bay để hỗ trợ việc di chuyển của hành khách. Ảnh: Q.A. |
Hành khách đầu tiên phải xuống máy bay bằng thang kỹ thuật. Việc di tản toàn bộ hành khách khỏi máy bay kéo dài gần 30 phút. Toàn bộ 217 hành khách (trong đó có 6 trẻ em) được đưa vào nhà ga và làm thủ tục cần thiết.
Các đơn vị kiểm tra đường cất hạ cánh 25L/07R cho biết vị trí máy bay bắt đầu xông ra lề đường băng là tấm bê tông số 428. Còn vị trí máy bay dừng lại ngang hàng tấm bê tông số 320. Toàn bộ quãng đường đi lệch dài 650 m. Càng sau cách tim đường băng 54 m, càng mũi cách tim đường băng 50,6 m.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng nhặt được 3 mảnh kim loại tại khu vực lề cỏ giữa đường lăn NS1 và E1, nghi ngờ là bộ phận cánh tà của máy bay (trong đó mảnh lớn nhất có kích thước 72x45 cm). 7 chiếc đèn tín hiệu trên đường băng và đường lăn cũng được phát hiện gãy vỡ sau sự cố.
Theo thống kê tại sân bay, sự cố đã khiến 7 chuyến bay đang lăn ra đường băng phải quay lại bến đỗ, 20 chuyến bay đang bay đến Tân Sơn Nhất phải đổi hướng đi các sân bay dự bị. Ngoài ra, khoảng 70 chuyến bay đi/đến Tân Sơn Nhất trong ngày phải delay vì sự cố.
Chiều 15/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định sự cố máy bay của VietJet Air là đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân ban đầu được nhận định có phần lỗi ở phi công.
Cục Hàng không cho biết sẽ tạm giữ bằng lái của 2 phi công người nước ngoài, đồng thời đình chỉ tổ bay để phục vụ điều tra.
Trong quá trình điều tra, tổ điều tra sẽ giải mã hộp đen máy bay, đọc ghi âm buồng lái phi công và phân tích các dữ liệu chuyến bay để xác định nguyên nhân sự cố.