Theo báo cáo được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12, năm 2023, cả nước có 217.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,5% so với năm trước, tương đương 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động/tháng.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 10,8% so với năm trước.
Ngược lại, số tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89.100 doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022. Trong đó, 65.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đáng chú ý, trong riêng lĩnh vực kinh doanh doanh bất động sản ghi nhận số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể tăng mạnh so với năm trước.
Cụ thể, năm 2023 đã có 3.705 doanh nghiệp bất động sản ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 47% so với năm ngoái. Trong đó, số doanh nghiệp giải thể là 1.286 doanh nghiệp, tăng 7,7% so với năm 2022. Bình quân mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp địa ốc phá sản.
Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới trong năm là 4.725, giảm 45% so với năm 2022 với 25.959 lao động. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 2.270 doanh nghiệp, tăng 9,1%.
SỐ DN BẤT ĐỘNG SẢN GIẢI THỂ, NGỪNG KINH DOANH TĂNG MẠNH | |||||
Số liệu: Tổng cục Thống kê | |||||
Nhãn | Thành lập mới | Quay lại hoạt động | Giải thể | Ngừng kinh doanh có thời hạn | |
2022 | doanh nghiệp | 8593 | 2081 | 1194 | 2514 |
2023 | 4725 | 2270 | 1286 | 3705 |
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2023, Bộ Xây dựng đánh giá nửa đầu năm, thị trường bất động sản tiếp tục trạng thái giao dịch trầm lắng. Bằng nhiều biện pháp tháo gỡ quyết liệt, tình hình thị trường đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
"Trong 6 tháng cuối năm, lượng tìm kiếm giao dịch các phân khúc đất nền, chung cư... có sự phục hồi tốt và nguồn cung từ các dự án mới, giao dịch xuất hiện ngày càng nhiều", Bộ cho biết.
Cơ quan quản lý đánh giá thị trường bất động sản vẫn tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, vướng mắc nhất là về các thủ tục pháp lý. Đáng chú ý, thị trường thiếu hụt nguồn cung ở các phân khúc, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp, đặc biệt thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ.
"Thị trường bất động sản vẫn cần phải theo dõi sát các diễn biến và cần tiếp tục các biện pháp tháo gỡ mạnh mẽ trong thời gian tới", Bộ Xây dựng nhìn nhận.
Theo Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động, tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng, cũng không huy động được nguồn vốn từ các kênh tài chính quen thuộc như trái phiếu, tín dụng ngân hàng…
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...