Thời gian qua, cuộc sống của người dân xã Yên Thọ (huyện Yên Định, Thanh Hóa) rơi vào cảnh đảo lộn khi giếng nước bỗng nhiên trơ đáy.
Ông Trịnh Đình Hưng (51 tuổi) cho biết hiện tượng này diễn ra từ đầu tháng 1 đến nay. Ban đầu, giếng khơi của các hộ sống sát mép sông Mã cạn kiệt nước, giếng khoan thì chỗ có chỗ không. Sau đó, tình trạng mất nước như dây chuyền, lan rộng vào nhiều hộ bên trong, cách sông Mã gần 1 km.
“Việc mất nước khiến bà con rất khốn khổ. Nước ăn, tắm giặt không đủ, phải đi xin khắp nơi. Nước rửa rau xong thì không dám đổ đi mà dùng vào việc rửa tay chân hoặc cho con vật uống”, ông Hưng than.
Giếng nước của gần 1.000 hộ dân bỗng nhiên trơ đáy. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Trước hiện tượng bất thường này, người dân xã Yên Thọ đã dùng nhiều cách để đối phó. Nhiều hộ bỏ hàng chục triệu đồng, khoan từ 2 đến 6 cái giếng nhưng vẫn không đủ nước dùng.
Có nhà thì khoan sâu hơn mới có nước. Nhưng nước ở độ sâu có mùi tanh hôi, khi rót một ít nước chè vào thì ngay lập tức đổi thành màu tím than. Không còn cách nào, họ phải xây bể hứng nước mưa hoặc mua máy lọc về để dùng nguồn nước bẩn này.
“Hàng chục năm nay, bà con vẫn sống yên ổn, chưa bao giờ xảy ra hiện tượng này”, ông Vũ Văn Thạch nói.
Các hộ dân Yên Thọ rơi vào cảnh đảo lộn vì thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Người dân cho biết năm nay mực nước sông Mã xuống thấp hơn bình thường đến gần 2 m. Họ cho rằng việc này do hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra trên sông Mã suốt những năm qua hoặc do đập chắn ngang Nam sông Mã bị tháo bỏ nên nguồn nước dự trữ ở sông không còn.
“Ở Yên Thọ, nước sông Mã dâng cao đến đâu thì nước giếng có đến đó. Nhưng năm nay, nước sông Mã cạn kiệt khác thường thì đây có thể là nguyên nhân”, một người dân nhận định.
Trao đổi với Zing.vn, ông Hồ Xuân Bình, Chủ tịch UBND xã Yên Thọ, cho biết 900 giếng nước của người dân địa phương bỗng dưng cạn kiệt. Con số này vẫn chưa dừng lại.
Nước lấy được ở độ sâu thì có mùi tanh hôi, đổi màu tím than khi đổ một ít nước chè vào. Ảnh: Nguyễn Dương. |
“Bình thường người dân khoan giếng sâu từ 9-11 m để lấy tầng nước mặt sinh hoạt, nếu xuống sâu quá nước sẽ rất tanh hôi không ăn được. Nhiều hộ đã tìm vị trí khoan giếng, nhưng không phải chỗ nào cũng có nước. Ngày 13/2, đoàn công tác của UBND huyện Yên Định và Sở NN&PTNT Thanh Hóa đã về địa phương kiểm tra nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp gì”, ông Bình nói.
Lãnh đạo xã Yên Thọ cũng xác nhận thời điểm này so với các năm, mực nước sông Mã xuống thấp gần 2 m và nhận định đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều giếng nước trơ đáy.
Vị trí xã Yên Thọ (vùng khoanh trắng). Ảnh: Google Maps. |