Theo Reuters, chiến dịch mở màn ngày 15/5 dưới sự phối hợp của Cơ quan Điều tra ma túy Bangladesh và cảnh sát đặc nhiệm. Truyền thông Bangladesh cho biết số người chết tăng lên hàng ngày. Tới ngày 27/5, số người thiệt mạng đã tăng lên 91.
"Chúng ta sẽ giải cứu đất nước khỏi nanh vuốt của ma túy như cách chúng ta đã đánh bại lực lượng phiến quân", nữ Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina tuyên bố.
Cảnh sát vũ trang Bangladesh càn quét các đối tượng ma túy tại nơi cộng cộng. Ảnh: Xinhua. |
Phần lớn các trường hợp tử vong diễn ra sau những vụ đấu súng, theo truyền thông Bangladesh. Tuy nhiên, gia đình một số người thiệt mạng cho biết những người này bị cảnh sát bắt giữ và tử vong khi bị tạm giam. Tên và địa điểm các nạn nhân tử vong xuất hiện dày đặc trên báo chí nhưng chi tiết lý do ít khi được công bố.
Theo nhà chức trách, nhiều trường hợp bị cảnh sát bắn chết là những người mới sa chân vào ma túy hay những tay buôn ma túy nhỏ lẻ. Một số trường hợp bị cáo buộc tàng trữ lượng lớn ma túy hay vũ khí hạng nhẹ.
Chiến dịch chống ma túy tại Bangladesh bị chỉ trích là bỏ qua trình tự điều tra nghi phạm. Các tổ chức dân sự cáo buộc cuộc chiến chống ma túy chỉ nhắm vào những trường hợp nhỏ lẻ, trong khi bỏ qua những kẻ cầm đầu các đường dây ma túy lớn, có dính lứu tới một số quan chức an ninh cấp cao.
Một kẻ tình nghi buôn bán ma túy bị cảnh sát Bangladesh bắn chết. Ảnh: AFP. |
Cuộc chiến chống ma túy là bước đi cứng rắn mới nhất của Thủ tướng Sheikh Hasina nhằm củng cố quyền lực. Trước đó, bà Hasina thực thi một số chính sách gây tranh cãi như giam giữ chính trị gia đối lập hay cho phép cơ quan an ninh bắt giam, tra tấn, thậm chí xử tử những người bị nghi là chiến binh Hồi giáo.
Nhà chức trách ước tính khoảng 7 triệu trong tổng số 160 triệu dân tại Bangladesh nghiện ma túy, chủ yếu là yaba, một loại thuốc dạng viên chứa caffeine và ma túy đá. Ma túy không được sản xuất trực tiếp ở Bangladesh, tuy nhiên khoảng 40 triệu USD ma túy được chuyển vào quốc gia Nam Á này mỗi năm qua đường Myanmar.