Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA cho biết trong số các hợp đồng bị huỷ có loại ký với thương nhân Trung Quốc, Philippines và một số quốc gia khác. Nguyên nhân huỷ chủ yếu do có chênh lệch giá giữa thời điểm ký hợp đồng và thời điểm giao hàng. Riêng đối với trường hợp của Philippines, hợp đồng bị huỷ là do Chính phủ nước này chưa cấp quota nhập khẩu, nên tàu gạo không được phép cập cảng.
Mặc dù cho rằng việc huỷ hợp đồng này không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu, nhưng ông Phong cũng nói: “Trong kinh doanh không ai muốn hợp đồng ký kết lại bị huỷ bỏ, phía doanh nghiệp Việt Nam cần phải rút kinh nghiệm trong việc thương thảo các điều khoản để ràng buộc chặt chẽ hơn”.
Cứ ký, làm không được thì huỷ!
Theo tìm hiểu, các hợp đồng xuất khẩu gạo bị huỷ kéo dài từ đầu năm đến nay, riêng trong tháng 7/2013 là 180.000 tấn. Giám đốc một doanh nghiệp tiết lộ các hợp đồng bị huỷ nhiều nhất rơi vào vụ đông xuân, vì thời điểm này giá ký thường cao, nhưng đến lúc giao hàng vào vụ hè thu giá xuống thấp, nên khách hàng huỷ hợp đồng. “Có nhiều hợp đồng dạng này bị huỷ bởi thương nhân Trung Quốc”, vị này nói.
Vận chuyển lúa đến nhà máy xay xát tại đồng bằng sông Cửu Long. |
Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn cho rằng, nhiều hợp đồng ký vào thời điểm tháng 5, tháng 6 với giá quá thấp vì lúc đó ai cũng đoán sẽ mua được gạo nguyên liệu hè thu đầu vụ giá thấp. Tuy nhiên, do có nhiều doanh nghiệp lỡ ký giá thấp, thời điểm giao hàng lại gần nhau và trùng vào giai đoạn thực hiện chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo, nên giá gạo nội địa lên cao. Đến lúc này, nếu các doanh nghiệp tiếp tục mua gạo nguyên liệu để thực hiện hợp đồng, họ sẽ bị lỗ nên đành đơn phương huỷ hợp đồng, chấp nhận phạt hợp đồng.
“Thà bị đền hợp đồng còn hơn là mua nguyên liệu giá cao giao cho khách hàng. Tôi cũng biết có nhiều doanh nghiệp mua được gạo giá rẻ nhưng vẫn đơn phương huỷ, vì họ tính toán bán ra ngoài sẽ thu được lợi nhuận cao hơn”, một nguồn tin tiết lộ. Việc xảy ra hàng loạt hợp đồng xuất khẩu gạo bị huỷ thật ra không mới, tình trạng này hầu như năm nào cũng có. Năm ngoái, VFA thống kê cũng có đến gần 1 triệu tấn gạo bị huỷ hợp đồng.
Trong hoạt động xuất khẩu gạo, xem ra giữa người mua và người bán đều đang chấp nhận kiểu làm ăn “bẻ kèo” như vậy, bởi theo tiết lộ của doanh nghiệp thì những điều khoản trong hợp đồng mà hai bên đặt bút ký không có tính pháp lý ràng buộc cao. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Cần Thơ mặc dù không cho biết mức bồi thường khi hợp đồng bị huỷ, nhưng cho biết quy định trong hợp đồng không đủ sức “nặng” để ràng buộc hai bên phải thực hiện. “Rất khó để lôi nhau ra toà vì mức đền bù theo hợp đồng là quá thấp, bên đơn phương huỷ thường chấp nhận chi trả”, ông này nói.
Cường quốc xuất khẩu gạo, vẫn làm ăn kiểu cò con
Điều đáng nói, dù là cường quốc xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm thương trường lâu năm, nhưng vẫn chấp nhận cung cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp, cò con theo kiểu “cá ăn kiến, kiến ăn cá” như kể trên.
Khi được hỏi, một số doanh nghiệp biện hộ rằng, do năm nay thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các nước xuất khẩu tồn kho khá lớn, nếu không mạnh dạn ký hợp đồng, chấp nhận một số rủi ro có thể đến thì rất khó tiêu thụ hết lúa. Tuy nhiên, biện hộ này chỉ càng làm giảm uy tín của doanh nghiệp, về lâu dài khách hàng rất khó chấp nhận giao thiệp với một đối tác kém uy tín kiểu như vậy.
Ông Trương Thanh Phong cũng thừa nhận, việc huỷ hợp đồng ảnh hưởng chung đến uy tín cộng đồng doanh nghiệp cũng như uy tín cả ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp cần cân nhắc giá bán cũng như các điều khoản ràng buộc ngay trong đàm phán để đảm bảo hợp đồng có tính thực thi cao.