Những năm gần đây, hàng loạt loại thực phẩm ăn liền từ bột gạo đã được các nhà sản xuất Vina Acecook, Vinaly, Bích Chi, Asia Food, Bình Tây, Colusa- Miliket, Masan, Vifon... tung ra thị trường với gần 70 loại khác nhau, như hủ tíu, phở, bún, bánh đa, cháo... Xét về hiệu quả kinh doanh, nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, vài năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của mì gói giảm, chỉ còn 5%, nhưng xu hướng dùng thực phẩm ăn liền từ gạo lại đang tăng và thị trường này hiện tại ít cạnh tranh hơn mì. Vì vậy, các sản phẩm từ gạo đã đóng góp vào doanh thu không nhỏ cho các công ty, thậm chí doanh thu từ mảng này còn tăng trưởng hơn cả mì gói. Hơn nữa, phát triển sản phẩm mới từ gạo còn giúp các DN đa dạng hóa sản phẩm, tạo sức hút để thoát khỏi tình trạng sức mua đang sút giảm hiện nay.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu từ mì gói của các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm. |
Từng là DN lớn nhất trong số các "tiểu gia", doanh thu hàng ngàn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận của Vifon trong hai năm vừa qua chỉ đạt mức 8 tỷ đồng, bằng 1/5 hai năm trước đó và thua xa so với Colusa-Miliket hay Ve Wong. Để tự cứu mình giữa sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường mì, công ty đang chuyển hướng đầu tư mạnh vào phân khúc sản phẩm gạo ăn liền là phở, phở bò, bánh đa cua... và hiện nay Vifon đã chiếm gần 50% thị phần của phân khúc sản phẩm ăn liền có gốc từ gạo.
Biểu đồ tăng trưởng thị trường mì ăn liền Việt Nam tính từ năm 2008 đến 2012. |
Thay đổi cán cân thị phần
Ông Lê Văn Hùng, Trưởng phòng Marketing công ty Vina Acecoo, cho biết sở dĩ sản phẩm từ gạo tăng vì hiện nay việc giao lưu giữa các vùng miền rất mạnh, nên khẩu vị ẩm thực của người tiêu dùng cũng đa dạng, ăn được nhiều món hơn, như: bánh canh, phở, hủ tiếu, bún... Bên cạnh đó, nhu cầu đổi mới khẩu vị cũng kích thích sự chọn lựa, cộng với ếu tố sản phẩm từ gạo không qua chiên hiện được người tiêu dùng quan tâm chọn lựa nhiều hơn. Song, ưu điểm lớn nhất của dòng sản phẩm này đối với DN là chủ động nguồn nguyên liệu gạo trong nước luôn sẵn có.
Thực tế cũng cho thấy, tỷ lệ chuộng thực phẩm từ gạo đang tăng lên. Nhiều DN không chỉ bán chạy sản phẩm này trong nước mà còn xuất khẩu ra các nước như: Czech, Slovakia, Hungary và các nước có yêu cầu cao về an toàn thực phẩm như: Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Canada, Hồng Kông.
Tại hội chợ quốc tế thực phẩm và đồ uống 2013 tổ chức ở Thái Lan, công ty Thuận Phong (Tiền Giang), chuyên sản xuất các thực phẩm chế biến từ gạo như bánh tráng, hủ tiếu khô, bún khô, bánh hỏi khô hiệu Ba Cây Tre xuất khẩu cho các chuỗi siêu thị của Hoa Kỳ, Đức, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch, Na Uy, Nhật, và Hàn Quốc cũng được khách hàng tìm hiểu, thử sản phẩm rất đông và nhiều khách hàng đã đặt mua với số lượng lớn.
Trong khi đó, tại các siêu thị trong nước, nhiều sản phẩm làm từ bột gạo có giá đắt hơn mì gói, được xếp vào loại sản phẩm ăn liền cao cấp, nhưng bán khá chạy. Riêng hệ thống Co.opmart, các sản phẩm ăn liền làm từ bột gạo, ngũ cốc cách đây ba năm chỉ chiếm tỷ lệ hơn 10%, nay đã lên đến gần 50% trong tổng lượng hàng bán ra. Phổ biến nhất là bún, phở, hủ tiếu, bánh đa cua, cháo sấy khô... Gần đây, trước thông tin bún tươi bánh ướt, bánh hỏi... sử dụng chất cấm, nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng chọn mua bún ăn liền, hủ tiếu và phở khô để thay thế khiến thị trường này dự đoán sẽ cạnh tranh gay gắt hơn. Trong đó, Vina Acecook và Asia Food có thể dùng lợi thế các sản phẩm từ gạo để chặn đường tiến thị phần của Masan.
Ngay thời điểm này, nhiều DN đang có những chiến lược đầu tư mới, nâng cao và đa dạng sản phẩm chế biến từ gạo, như công ty Safoco cam kết nguồn nguyên liệu chủ yếu của bún khô được sử dụng bằng tinh bột gạo tươi được chọn lọc từ vùng nguyên liệu ở Sa Đéc (Đồng Tháp).
Đại diện Vina Acecook cũng cho biết, dù hiện tại Vina Acecook sở hữu 6 nhà máy với trên 15 dây chuyền sản xuất đa dạng chủng loại sản phẩm bao gồm mì ăn liền, miến ăn liền, bún ăn liền, phở ăn liền..., nhưng công ty sẽ tiếp tục đầu tư, công nghệ để sản phẩm ngày càng ngon và gần giống sản phẩm tươi hơn.