Con trai ông Tư là một trong số 3.000 người mà trái tim duy trì nhịp đập nhờ một người ẩn danh. Giữ kín tung tích với những người ông giúp đỡ, song với những ai công tác ở hội Bảo trợ các bệnh nhân nghèo TP.HCM và các địa phương khác, nhà hảo tâm ẩn danh này là một người đóng góp từ thiện quen thuộc. Theo ông Trần Xuân Kiên, Phó chủ tịch thường trực hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thừa Thiên – Huế, nhà hảo tâm này thường hỗ trợ 70% chi phí mổ tim cho các bệnh nhân nghèo, phần còn lại là đóng góp từ các nhà hảo tâm khác.
Trung bình mỗi ca mổ tim khoảng 60-70 triệu đồng. Khi bệnh nhân nộp đơn đề nghị hỗ trợ, hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo của địa phương sẽ làm việc với hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM là đầu mối liên lạc với nhà hảo tâm. Tiền sẽ được chuyển trực tiếp vào tải khoản cho bệnh nhân tại nơi được điều trị với tên người chuyển là “ẩn danh”. Do đó, hầu hết các bệnh nhân đều không biết ai là người hỗ trợ chi phí chữa bệnh cho mình. Tên của ông thi thoảng mới xuất hiện trong các lời tri ân của tổ chức này. Tuy vậy, các thông tin rời rạc, chắp nối lại cũng đủ để nhận ra chủ nhân của chiếc mặt nạ Zorro ấy.
Ông Bùi Thành Châu, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử California. |
Trong một lần hiếm hoi đóng góp quan điểm từ thiện trên báo chí, ông bộc bạch: “Theo dõi trên các phương tiện truyền thông, vẫn thấy nhiều người, nhiều giới thích khoe từ túi xách, quần áo hàng hiệu, nữ trang, xe xịn… trị giá vài ngàn, vài chục ngàn thậm chí cả triệu USD. Điều đó liệu có ý nghĩa gì khi xã hội ta có đến 80% là người nghèo, còn thiếu sự no đủ và ấm áp cuộc đời thật bình thường? Và còn nhiều lắm những cảnh đời éo le, người già không nơi nương tựa, người chết vì không có tiền đi bệnh viện, những em nhỏ nhiễm HIV bị bỏ rơi”.
Trở lại gần 20 năm trước, lần đầu ông làm từ thiện với số tiền là 2 tỷ đồng được trao cho hội Bảo trợ bênh nhân nghèo TP.HCM. Người nhận tiền chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi thấy nhiều tiền mặt như thế, phải bằng 2 bao tiền lớn”.
Hoạt động tử thiện của ông bắt đầu từ giai đoạn khởi nghiệp, kinh doanh linh kiện điện tử tại đường Huỳnh Thúc Kháng (TP.HCM). Ông từng là nhà phân phối độc quyền các sản phẩm điện tử nhập khảu D.A.S California, Ar Carvar, Polkaudio và Onkyo. Sau đó, nắm bắt cơ hội nhu cầu đầu đĩa đang lên cao, ông chuyển sang sản xuất đầu karaoke với giá thành rẻ hơn một nửa so với sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, Nhật.
10 năm trước, khi các hãng đầu đĩa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường, sản phẩm của ông là một trong hai tên tuổi đầu đĩa Việt thịnh hành nhất. Giai đoạn thịnh vượng này đã giúp ông có những đóng góp từ thiện đáng kể và đều đặn. Ngoài kinh doanh đầu đĩa, ông còn kinh doanh bất động sản. Tiền từ hai lĩnh vực kinh doanh này là nguồn cung cấp chính cho các chương trình từ thiện của ông những năm qua.
Thời gian gần đây, có tin ông bị khối u ở bụng. Một người đã có hơn chục năm làm từ thiện cùng ông chia sẻ: “Tôi mong ông ấy mau khỏi, nếu ông có chuyện gì, hàng ngàn người đang xem ông là ân nhân không biết sẽ thế nào”. Mặc dù kinh doanh gặp khó khăn và bệnh tật, thông tin của chúng tôi thu thập được cho thấy, ông vẫn duy trì đều đặn các hoạt động từ thiện của mình.
Ông Trần Lam, Chủ tịch hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang, người đã có niều năm làm từ thiện với ông tâm sự: “Anh ấy là người làm từ thiện tích cực nhất mà tôi từng biết, người thực sự có tâm với những người bất hạnh”.
Tuy nhiên, nhà hảo tâm này khá kín tiếng và không thích xuất hiện trên báo chí. Ông Lam kể: “Ảnh lúc nào cũng đề nghị không giới thiệu tên ảnh. Có lần tổng kết 5 năm thành lập hội, ảnh nhắc hoài là có quay phim thì đừng có quay ảnh”. Nhiều nơi từng đề nghị cấp bằng huân chương, khen thưởng cho ông nhưng ông đều từ chối không nhận.
Khi chúng tôi tìm cách tiếp xúc với nhà hảo tâm ẩn danh này, ông từ chối. Trong tin nhắn gửi phóng viên, ông viết: “Xin lỗi, bạn nhầm lẫn ai đó rồi. Tôi chưa bao giờ tham gia từ thiện, chỉ có một lần cho 50 kg gạo thôi”.
Bênh cạnh việc ủng hộ nhiều và thường xuyên cho các ca mổ, ông còn đóng góp chi phí hoạt động 1,2 tỷ đồng/năm nhằm nuôi dạy 120 - 150 em tại hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em TP.HCM. Theo một nguồn tin riêng của chúng tôi, ông đang hỗ trợ cho một trung tâm việc làm dành cho người cai nghiện và các chương trình từ thiện của Công giáo với số tiền 3,6 - 6 tỷ đồng/năm từ nhiều năm nay. Người ta cũng thấy ông xuất hiện không ít lần trong các chương trình từ thiện của Phật giáo.
Theo thống kê trên webside của hội Bảo trọ bệnh nhân nghèo TP.HCM, nhà hảo tâm này hiện đóng góp gần một nửa ngân sách từ thiện trong tổng số 165 tỷ đồng của hội. Tính đến đầu tháng 7/2013, hội đã giúp đỡ cho gần 6.000 cac mổ tim bẩm sinh. Ước tính, số tiền làm từ thiện của ông khoảng 100 tỷ đồng.
Nếu đã từng đi hát karaoke, bạn có thể đã tiếp cận sản phẩm của người làm từ thiện ẩn danh này. Ông là Bùi Thành Châu, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử California, được giới kinh doanh gọi là: Châu Cali.