Theo báo Hải quan, ngày 12/5, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai phối hợp với lực lượng biên phòng bắt giữ 300 kg tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ), trị giá ước tính khoảng 75 triệu đồng. Sau đó, liên tiếp trong các ngày 13, 14, 15 và 18/5, Tổ Kiểm soát, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 6 vụ vi phạm với tổng số lượng 645 kg tôm hùm đất, trị giá tổng lô hàng ước tính trên 161 triệu đồng.
Tôm càng đỏ, hay còn gọi là tôm hùm đất, nhập lậu từ Trung Quốc bị bắt giữ tại Lào Cai. Ảnh: Trung Dũng. |
Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai thông tin hiện tượng buôn lậu nói chung, buôn bán, vận chuyển các mặt hàng cấm nói riêng như tôm càng đỏ trên tuyến biên giới do đơn vị quản lý đang diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu cũng áp dụng những chiêu thức tinh vi hơn nhằm "tuồn hàng" qua biên giới.
Đối tượng buôn lậu thường lợi dụng đêm tối hoặc buổi trưa để chuyển hàng qua đường sông, suối biên giới. Hoạt động này diễn ra rất nhanh, hàng hóa cũng được tẩu tán tức thì sau khi vượt được biên. Một số nhóm đối tượng còn cất giấu hàng cấm nhập trong hàng hóa thông thường mà cư dân biên giới được phép trao đổi.
Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cũng đã chỉ đạo Cục QLTT tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với tôm hùm đất ở Việt Nam, đặc biệt tại những địa bàn giáp biên với Trung Quốc.
“Cục QLTT các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh chỉ đạo lực lượng thị trường tập trung phối hợp với hải quan, biên phòng trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát các lối mòn, lối mở, các địa điểm tập kết thu mua thủy hải sản tại các tuyến đường vận chuyển trọng điểm và triển khai những biện pháp tích cực để ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển tôm càng đỏ vào thị trường nội địa”, văn bản nêu rõ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôm hùm đất hay còn gọi là tôm càng đỏ là loài thuỷ sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao.
Loài tôm này không có tên trong danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại. Theo đó, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản.