“Các nhà lãnh đạo G7 sẽ ban hành một tuyên bố tập thể chưa từng có tiền lệ trong khuôn khổ nhóm, trong đó thừa nhận những tác hại gây ra bởi các chỉ thị công nghiệp không minh bạch, làm méo mó thị trường của Trung Quốc”, vị quan chức này nói ngày 28/6 - ngày cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh G7 tại Elmau, Đức.
Người này cho biết các nguyên thủ và người đứng đầu nội các trong khối G7 cũng sẽ thúc đẩy các nỗ lực chống lao động cưỡng ép khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc luôn phủ nhận những cáo buộc này.
Các nhà lãnh đạo G7 trong hội nghị thượng đỉnh tại Elmau (Đức), hôm 26/6. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, hôm 26/6, các nhà lãnh đạo G7 cũng đã công bố Sáng kiến Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII) như một đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc.
Với sáng kiến này, các nước G7 đặt mục tiêu huy động 600 triệu USD - trong đó có 200 tỷ USD từ phía Mỹ và 400 tỷ USD từ các nền kinh tế còn lại - trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2027 để đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển.
“Tôi muốn nói rõ rằng đây không phải viện trợ hay từ thiện. Đây là khoản đầu tư sẽ đem lại lợi ích cho mọi người”, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố.
“Chúng tôi đề xuất các lựa chọn tốt hơn cho các quốc gia và người dân trên thế giới, đầu tư vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu để cải thiện cuộc sống, cũng như mang tới lợi ích cho mọi người, không chỉ với khối G7”, ông Biden nói.