Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail - Mã: FRT) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu hợp nhất kỷ lục 30.166 tỷ đồng (gần 83 tỷ đồng/ngày), tăng trưởng 34% so với cùng kỳ và tương đương hoàn thành 112% kế hoạch năm.
Xét theo chuỗi, FPT Shop ghi nhận mức tăng trưởng 11% so với năm liền trước đạt doanh thu 20.689 tỷ đồng, chiếm 69% tổng nguồn thu. Trong khi chuỗi Long Châu đạt con số ấn tượng hơn với 9.596 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với năm 2021.
Doanh thu online cả năm đạt 5.656 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với năm 2021 và chiếm 19% tổng doanh thu hợp nhất.
KẾT QUẢ KINH DOANH CỦA FPT RETAIL | |||||||||
Nhãn | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
Doanh thu | Tỷ đồng | 7950 | 10853 | 13147 | 15298 | 16634 | 14661 | 22495 | 30166 |
Lãi sau thuế | Tỷ đồng | 146 | 208 | 290 | 348 | 204 | 10 | 444 | 398 |
Tuy nhiên, công ty cho biết đã đối mặt với nhiều bất lợi trong giai đoạn cuối năm do tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng trong đợt mở bán sản phẩm mới của Apple, sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh bởi yếu tố vĩ mô, chi phí tài chính liên tục tăng cao do lãi suất tăng và căng thẳng thị trường vốn...
Diễn biến đó khiến kết quả kinh doanh của FPT Shop không đạt kế hoạch. Trong khi nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng dược phẩm của Long Châu ít bị ảnh hưởng hơn nên vẫn có kết quả tốt.
Với các yếu tố bất lợi về cuối năm, FPT Retail báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt 486 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2021 và mới hoàn thành 67% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Kết thúc năm qua, nhà bán lẻ này có hệ thống 786 cửa hàng FPT Shop, tăng thêm 139 địa điểm so với thời điểm đầu năm. Chuỗi Long Châu thậm chí còn mở mới 537 nhà thuốc trong năm qua, nâng tổng số lên 937 địa điểm bán hàng và đều hoàn thành kế hoạch mở mới cho cả năm.
Đại gia bán lẻ này trong năm qua còn đẩy mạnh hoạt động bán hàng gia dụng trong các cửa hàng FPT Shop tại 280 điểm bán. Công ty dự kiến nâng lên 300 địa điểm trong quý I nhằm tăng doanh thu và cải thiện biên lãi gộp.
Quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp không có nhiều thay đổi khi vẫn đạt trên 10.000 tỷ đồng; trong đó đáng kể là hàng tồn kho (chiếm 6.520 tỷ) và lượng tiền, tiền gửi ngân hàng (1.865 tỷ). Nợ vay tài chính của doanh nghiệp giảm gần 700 tỷ trong năm qua nhưng vẫn còn 5.363 tỷ đồng, chiếm phân nửa nguồn vốn.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...