Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều công ty chứng khoán vẫn lãi nghìn tỷ đồng

Dù gặp nhiều khó khăn khi thị trường chứng khoán lao dốc cuối năm 2022, các công ty môi giới trong ngành vẫn có mức lợi nhuận lũy kế lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Phần lớn các công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý cuối năm 2022 với nhiều gam màu xám, lợi nhuận nhiều đơn vị sụt giảm hai chữ số và thậm chí là thua lỗ nặng.

Đáng kể nhất là ông lớn VNDirect khi báo cáo tài chính riêng ghi nhận con số lỗ sau thuế gần 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi gần 725 tỷ đồng. Lần gần nhất VNDirect ghi nhận lỗ đã từ quý 4/2011, tức 11 năm về trước.

Kết quả này do khoản lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL hơn nghìn tỷ đồng, chi phí lãi vay tăng cao. Trong khi nhiều mảng kinh doanh chính như tự doanh và cho vay ký quỹ kém tích cực so với cùng kỳ.

6 công ty lãi nghìn tỷ

Dù vậy, tính chung cả năm 2022, nhà môi giới chứng khoán này vẫn ghi nhận doanh thu hoạt động tăng trưởng 21% đạt xấp xỉ 7.000 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế dù giảm 37% vẫn còn đạt 1.728 tỷ đồng.

Theo kịch bản cơ sở, VNDirect đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.605 tỷ đồng với kỳ vọng VN-Index có thể lên đến 1.750 điểm. Diễn biến thị trường không phù hợp khiến đơn vị này chỉ hoàn thành chưa được phân nửa kế hoạch năm.

KẾT QUẢ KINH DOANH CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN LỚN NĂM 2022

Nhãn TCBS SSI VNDirect (công ty mẹ) HSC VCSC VPS Mirae Asset MBS
Lãi trước thuế Tỷ đồng 3052 2110 1728 1068 1060 1008 924 661

Chứng khoán SSI cũng chứng kiến sự sụt lùi nhưng không quá nghiêm trọng. Lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 giảm 77% còn 289 tỷ do doanh thu giảm mạnh và các chi phí hoạt động tăng cao.

Dù vậy, nhờ kết quả ấn tượng các quý đầu năm, nhà môi giới chứng khoán này vẫn ghi nhận tổng doanh thu cả năm đạt 6.528 tỷ và lợi nhuận xấp xỉ 2.110 tỷ đồng. Kết quả này chỉ thấp hơn mức lãi kỷ lục 3.365 tỷ đồng của năm 2021.

Quán quân lợi nhuận như thường lệ thuộc về Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) với con số 3.052 tỷ đồng. Mức này cũng chỉ thấp hơn 20% so với lợi nhuận kỷ lục được ghi nhận năm 2021.

Ba công ty khác vẫn giữ được quy mô trên nghìn tỷ đồng lần lượt là Chứng khoán TP.HCM (HSC), Chứng khoán Bản Việt (VCSC) và Chứng khoán VPS.

Toàn bộ các công ty môi giới chứng khoán đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh trong quý cuối năm với mức đi lùi khoảng 40-100%, thậm chí là nhiều đơn vị đã chuyển sang trạng thái thua lỗ.

Đáng kể như Chứng khoán Bảo Minh lỗ 100 tỷ đồng quý IV và đẩy mức lỗ cả năm lên đến 120 tỷ đồng. Chứng khoán VIX lỗ 130 tỷ nhưng tính lũy kế năm vẫn có lãi 376 tỷ đồng. Chứng khoán KB lỗ 75 tỷ và cả năm vẫn còn lãi 229 tỷ đồng hay Chứng khoán KS dù quý gần nhất lỗ 23 tỷ song cả năm có lãi 407 tỷ đồng...

Tổng lợi nhuận trước thuế của top 30 công ty hàng đầu trong quý IV/2022 chỉ đạt khoảng 1.650 tỷ đồng, giảm gần 45% so với quý trước và bằng 1/5 so với mức đỉnh đạt được cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ 4 liên tiếp lợi nhuận nhóm chứng khoán sụt giảm so với quý liền trước.

Cắt giảm vay margin

Đi cùng sự sự trầm xuống của thị trường chung là các chỉ tiêu khác cũng diễn biễn tiêu cực hơn. Trong đó, dư nợ cho vay ký quỹ (margin) giảm nhanh khi các công ty ồ ạt bán giải chấp cổ phiếu vào cuối năm ngoái.

Thống kê tại 10 công ty chứng khoán lớn nhất cho thấy dư nợ margin chỉ còn 72.263 tỷ đồng, tức giảm hơn 27.900 tỷ đồng trong quý cuối năm. Lúc đỉnh điểm vào quý I/2022, nhóm này ghi nhận dư nợ lên đến 120.000 tỷ đồng.

chung khoan,  margin,  cho vay,  loi nhuan anh 1

Quy mô nợ vay và tiền gửi của khách hàng tại công ty chứng khoán bị thu hẹp nhanh. Ảnh: Hoàng Hà.

Mirae Asset vẫn đang là đơn vị "cấp nợ vay" hàng đầu cho nhà đầu tư với số dư hơn 12.600 tỷ đồng, nhưng cũng đã giảm gần 2.500 tỷ đồng trong quý gần nhất. Kế đến là Chứng khoán SSI vẫn duy trì được dư nợ margin trên 10.000 tỷ đồng.

Phần lớn các công ty chứng khoán khác cũng đã mạnh tay cắt giảm quy mô cho vay trước diễn biến xấu của thị trường. Mạnh nhất là TCBS cắt 43% lượng cho vay xuống còn 8.362 tỷ đồng, thậm chí có thời điểm dừng hoạt động ứng trước tiền bán.

VNDirect cũng hạ lượng cho vay xuống mức thấp nhất kể từ quý III/2021 chỉ còn 8.362 tỷ đồng. Chứng khoán HSC cũng giảm quy mô cho vay 32% còn 7.379 tỷ đồng. Chứng khoán VPS hay VCSC cũng thu hẹp margin hàng nghìn tỷ đồng.

Việc thị trường lao dốc trong năm ngoái cũng khiến cho lượng tiền gửi của khách hàng tại các công ty chứng khoán có xu hướng giảm sâu trong quý cuối năm.

Tổng lượng tiền gửi của khách hàng tại thời điểm cuối năm 2022 còn khoảng 62.000 tỷ đồng, tức giảm hơn 13.000 tỷ đồng so với cuối quý III/2022. Tâm lý tiêu cực từ các vụ thanh lọc thị trường và làn sóng bán giải chấp đã ảnh hưởng lớn đến số dư tiền của nhà đầu tư.

Chứng khoán VPS tiếp tục là công ty được khách hàng gửi tiền mặt nhất nhất với gần 18.000 tỷ đồng, giảm gần 1.100 tỷ trong quý cuối năm. Tài khoản nhà đầu tư tại VNDirect đang có số dư tiền mặt hơn 4.800 tỷ đồng hay Chứng khoán SSI ghi nhận hơn 4.700 tỷ đồng...

Chứng khoán tăng mạnh trong phiên khai xuân

Thị trường trở lại sau Tết với phiên tăng hơn 9 điểm nhờ động lực lớn từ khối ngoại, kéo dài chuỗi 8 phiên đi lên liên tiếp.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm