Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO, 2022), trên toàn cầu ước tính có hơn 55 triệu người sống chung với tình trạng sa sút trí tuệ, mỗi năm có thêm gần 10 triệu người mắc mới. Trong đó, khoảng 60-70% là sa sút trí tuệ thể Alzheimer. Ở Mỹ, cứ 9 người trên 65 tuổi là có một người bị Alzheimer, ước tính chiếm 10,7%.
Bệnh lý này không chỉ thường xuất hiện ở người già, mà có đến 9% người khởi phát các triệu chứng sa sút trí tuệ trước 65 tuổi. Bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tâm lý, xã hội và kinh tế không chỉ người bệnh mà cả người chăm sóc, người nhà.
Nhận thức cộng đồng về bệnh Alzheimer còn hạn chế
Việt Nam hiện là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới với 11,9% dân số trên 60 tuổi năm 2019. Con số này dự kiến tăng lên 25% vào năm 2050, theo UNFPA. Do đó, số bệnh nhân Alzheimer cũng tăng nhanh.
Mặc dù vậy, mức độ quan tâm và sự nhận thức của cộng đồng về bệnh Alzheimer vẫn chưa rộng rãi. Kèm theo đó là các yếu tố khách quan như chưa đủ kiến thức liên quan đến tầm soát, tự theo dõi và chăm sóc sức khỏe, cũng như khó khăn trong việc tiếp cận điều kiện y tế đạt chuẩn. Điều này dẫn đến thực trạng nhiều bệnh nhân bỏ lỡ thời điểm vàng để điều trị kịp thời.
Trên cơ sở tận dụng nền tảng số hóa để hỗ trợ cộng đồng tiếp cận kiến thức y khoa và chăm sóc sức khỏe, chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu, Hội bệnh Alzheimer và rối loạn thần kinh nhận thức Việt Nam (VnADA) cùng Công ty TNHH Eisai Việt Nam hướng tới việc thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua tăng cường, mở rộng mối quan hệ hợp tác toàn diện, tập trung triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức về bệnh trong cộng đồng và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Alzheimer tại Việt Nam.
Chương trình gồm các hoạt động đào tạo chuyên môn cho đội ngũ dược sĩ về tầm soát bệnh sa sút trí tuệ và vai trò của điều trị với bệnh Alzheimer, đồng thời phát triển đa kênh đảm bảo nguồn cung ứng phục vụ nhu cầu điều trị của người bệnh.
Dưới sự hỗ trợ chuyên môn của VnADA, FPT Long Châu sẽ tổ chức tầm soát miễn phí tại cộng đồng, tư vấn cho người cao tuổi về bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ, với mục tiêu hỗ trợ sàng lọc phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh, đồng hành cùng bệnh nhân điều trị lâu dài.
FPT Long Châu, Eisai Việt Nam cùng VnADA ký kết hợp tác nâng cao nhận thức cộng đồng và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân Alzheimer tại Việt Nam. |
Hợp tác 3 bên nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng
Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Retail kiêm Tổng giám đốc FPT Long Châu - cho biết: "Khi tỷ lệ người cao tuổi trong dân số ngày càng tăng, tỷ lệ chẩn đoán và nhu cầu điều trị bệnh Alzheimer cũng tăng lên, đặt ra thách thức lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm có ý nghĩa lớn đối với bệnh nhân cũng như gia đình, giúp giảm gánh nặng bệnh tật”.
Bà nhấn mạnh FPT Long Châu hy vọng có thể giúp người dân hiểu hơn về căn bệnh Alzheimer, hỗ trợ người bệnh giảm các triệu chứng, sớm cải thiện tình trạng bệnh và chất lượng sống, đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân với dịch vụ cùng mức giá hợp lý.
“FPT Long Châu tin tưởng đồng hành cùng Eisai và VnADA triển khai các hoạt động giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bệnh Alzheimer tại Việt Nam, với mục tiêu cam kết đảm bảo nguồn thuốc điều trị cho bệnh nhân, nâng cao chất lượng năng lực tư vấn của đội ngũ dược sĩ, giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng”, bà Điệp cho hay.
Thông qua dự án đồng hành cùng FPT Long Châu và VnADA, Eisai kỳ vọng góp phần nâng cao nhận thức cho hàng triệu người dân Việt Nam. |
Ông Yuki Inoue - Tổng giám đốc Công ty TNHH Eisai Việt Nam - khẳng định: “Với triết lý hoạt động vì sức khỏe con người, Eisai Việt Nam luôn chú trọng tối ưu lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Do đó, việc nâng cao chất lượng đội ngũ y tế, tăng cường nhận thức của cộng đồng về bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ là hoạt động quan trọng với chúng tôi tại Việt Nam”.
“Thông qua dự án đồng hành cùng FPT Long Châu và VnADA, Eisai kỳ vọng góp phần nâng cao nhận thức cho hàng triệu người dân Việt Nam, đồng thời giúp phát hiện sớm và chữa trị kịp thời bệnh Alzheimer nhằm giảm bớt gánh nặng trong việc chăm sóc cho gia đình, xã hội”, ông Yuki Inoue bày tỏ.
Theo TS.BS Trần Công Thắng - Phó chủ tịch VnADA, Alzheimer là bệnh phổ biến ở người già, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể duy trì tình trạng trí nhớ, cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân, giảm gánh nặng cho người chăm sóc. Do đó, với vai trò của VnADA, việc nâng cao kiến thức cho cán bộ y tế và người dân về sa sút trí tuệ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.