Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Forbes: 5 động lực giúp kinh tế Việt Nam tiến xa năm 2017

Tạp chí danh tiếng của Mỹ Forbes đưa ra dự đoán rằng kinh tế Việt Nam dù đang gặp nhiều khó khăn sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2017 dựa trên 5 động lực chính.

Forbes dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới WB cho rằng 1/3 dân số Việt Nam hiện vẫn sống trong tình trạng nghèo khó. Dù còn nhiều khó khăn như vậy, đây vẫn là một trong những nền kinh tế khởi sắc nhất châu Á trong năm vừa qua với GDP đạt trên 200 tỷ USD.

5 dong luc giup kinh te Viet Nam phat trien 2017 anh 1
Thu nhập của người Việt Nam đang ngày một được cải thiện. Ảnh: Thebusiness.vn

Đầu tư vào Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn nhờ chi phí sản xuất rẻ hơn nước láng giềng Trung Quốc. Kim ngạch xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao.

Kinh tế Việt Nam đã phát triển đều đặn từ những năm 80 của thế kỷ trước và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 6,3% một năm. Chính phủ dự báo GDP năm 2017 sẽ tăng trưởng ở mức 6,8%.

Vì sao một nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi hạn hán, biến đổi khí hậu cùng đói nghèo vẫn hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tham vọng trên? Tờ Forbes đặt câu hỏi và cho rằng Việt Nam có năm động lực chính để tự tin hiện thực hóa tham vọng phát triển:

1. Hiệp định TTP sẽ hồi sinh hoặc được thay thế

Tổng thống đắc cử Donald Trump được dự đoán nhiều khả năng sẽ rút nước Mỹ khỏi hiệp định thương mại tự do gồm 12 nước thành viên này, đồng nghĩa với việc TPP sẽ sụp đổ. Đây là hiệp định được dự đoán sẽ giúp các nước xuất khẩu trong nhóm, tiêu biểu là Việt Nam, hưởng lợi nhiều. Tuy nhiên không ít người vẫn hoài nghi về quyết định của ông Trump.

Nếu không có TPP, Việt Nam vẫn là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do khác trên toàn cầu, bao gồm các hiệp định chung với các đầu tàu kinh tế như Trung Quốc và Nhật Bản.

Việt Nam vẫn có thể cùng các thành viên TPP xây dựng một hiệp định tương tự nếu Quốc hội Mỹ từ chối phê chuẩn.

Việt Nam hiện trong danh sách các nước sẵn sàng gia nhập một hiệp định thương mại tự do xoay quanh Trung Quốc là RCEP. Tổng GDP các nước tham gia RCEP được dự đoán sẽ chiếm 30% GDP thế giới.

2. Việt Nam tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn

Các nhà đầu tư nước ngoài đang hưởng lợi lớn từ hàng rào thuế quan thấp thông qua các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Một vài doanh nghiệp còn đang được hưởng ưu đãi thuế hấp dẫn từ chính phủ.

Trong năm 2015, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều cải cách trong Luật đầu tư giúp các doanh nghiệp nước ngoài thực hiện thủ tục một cách đơn giản và nhanh chóng hơn. Năm 2016 là "năm đệm" giữa những thay đổi, và năm 2017 mới thực sự là năm Việt Nam bắt đầu "hưởng thành quả từ việc xây dựng được một hệ thống thủ tục doanh nghiệp thân thiện hơn và mang tính cạnh tranh hơn. Điều này sẽ giúp thu hút thêm FDI và đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm gia công sản xuất lớn trên thế giới", Oscar Mussons, cố vấn kinh doanh quốc tế, công ty tư vấn Dezan Shira & Associates nói.

3. Người Việt đang giàu lên và chi tiêu mạnh tay hơn

Theo số liệu từ Boston Consulting, tới năm 2020, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ phình to gấp đôi, lên 33 triệu người, đồng nghĩa với mức tiêu thụ sẽ được gia tăng. Những người trong tầng lớp này sẽ có mức thu nhập ít nhất 714 USD (khoảng 15 triệu đồng) một tháng, đủ để chi dùng cho các dịch vụ xa xỉ trước đây như mua sắm điện thoại, xe máy, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và đi du lịch.

Tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng nhanh nhờ mức lương được cải thiện, đặc biệt là ở các ngành nghề liên quan đến gia công, sản xuất, xuất khẩu.

4. Gia tăng giá trị trong ngành sản xuất

Sản phẩm công nghệ cao chiếm 25% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015, tăng mạnh so với mức 5% của năm 2010 và chưa có dấu hiệu cho thấy xu hướng này sẽ suy giảm. Đầu tư từ những gã khổng lồ công nghệ như Intel, Samsung hay Hon Hai Precision đã lên tới hàng tỷ USD. Đó chính là những cú hích đẩy khởi đầu xu hướng này.

Samsung Display đang cân nhắc một khoảng đầu tư mới trị giá 2,5 tỷ USD vào một dự án vốn đã có giá trị 4 tỷ USD.

Ngành công nghiệp điện tử đang dần thay thế những ngành sản xuất truyền thống như dệt may hay da giày khi sản lượng các ngành này đang dần chững lại ở Việt Nam và chuyển dịch sang các nước châu Á khác.

Theo nguồn tin của Forbes, các nhà quản lý Việt Nam đang hy vọng nâng mức kim ngạch xuất khẩu thêm 8-10% trong năm 2017. Xu hướng sản xuất mới được kỳ vọng sẽ nâng cao tay nghề của lao động Việt Nam, cải thiện thu nhập cho người lao động cũng như gia tăng lợi nhuận cho các đơn vị gia công sản xuất hàng giá trị cao.

5. Khu vực tư nhân phát triển sâu rộng

Kinh tế Việt Nam được biết đến với sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước mà phần lớn được cho là kém hiệu quả. Khu vực tư nhân ít được chú trọng trong nhiều năm đã tạo nên sự phụ thuộc vào các mặt hàng Trung Quốc mà các doanh nghiệp tư nhân trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất. Tuy nhiên khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đang liên tục mở rộng và phát triển.

Minh chứng rõ rệt nhất là ngành sản xuất bia tư nhân hay khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực như truyền thông, giải trí và thanh toán trực tuyến.

Ba quỹ đầu tư tư nhân đã được thành lập để giúp các doanh nghiệp khởi sự vượt qua khó khăn về vốn.

Sếp Samsung xin cơ chế cho công nhân làm thêm giờ

Ông Hyun Woo Bang, Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam xin cơ chế cho phép lao động làm thêm giờ, hạn chế tăng giá nhân công quá nhanh để đảm bảo cạnh tranh của doanh nghiệp FDI.

 


Ngô Minh (Theo Forbes)

Bạn có thể quan tâm