Fidel Castro - Cuộc đối đầu mười đời tổng thống Mỹ và những âm mưu ám sát của CIA ra mắt độc giả Việt Nam năm 2003, đúng dịp kỷ niệm 45 năm quốc khánh Cuba.
Với dung lượng 600 trang, cuốn sách được xây dựng trên khối tư liệu phong phú và đáng giá về vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước Cuba.
Được sự đồng ý của Công ty Văn hoá sáng tạo Trí Việt - First News, Zing.vn trích đăng lại một số phần của cuốn sách.
Tựa đề các đoạn trích do Zing.vn đặt lại.
Dù ở trong hay ngoài đất nước Cuba, không ai lại có thể biểu lộ thái độ thờ ơ đối với Fidel Castro. Người ta chỉ có thể bộc lộ một xúc cảm mạnh mẽ với ông, hoặc là yêu thương hoặc là đối nghịch ông, chứ không có thứ tình cảm trung dung khi nghĩ về ông. Bởi vậy, cái tên Fidel Castro dường như đã có một sức hút mãnh liệt, thu hết về phía nó mọi tính từ vừa tốt đẹp lẫn đối kháng.
Lẽ đương nhiên, Fidel từ lâu đã quen với những biểu hiện như vậy. Lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh Fidel nổi nóng và rất tức giận vì bị chỉ trích là vào đầu năm 1985, khi ông đọc một bài báo mô tả ông là con người “độc ác”, của một nhà báo Tây Ban Nha nổi tiếng vừa mới trải qua nhiều giờ phỏng vấn ông trước đó.
“Làm sao mà ông ta lại nói là tôi độc ác cơ chứ?” Fidel nổi giận. Ông đi tới đi lui trong văn phòng mình một cách giận dữ. “Có phải ông ta đã từng nhìn thấy tôi thực hiện những hành động ác độc? Có phải ông ta đã từng nghe thấy tôi ra lệnh hành quyết ai đó?”
Fidel cảm thấy bị thương tổn sâu sắc đối với thang giá trị đạo đức của cá nhân ông, và ông không dễ dàng bỏ qua đề tài này. Trên thực tế, vì “công lý cách mạng” ông cũng có ra lệnh hành quyết, nhưng ông phẫn nộ khi ai đó ám chỉ rằng ông đã làm điều này một cách bừa bãi.
Fidel Castro là một con người rất ngay thẳng và kiêu hãnh. Ảnh: townnews. |
Những chỉ trích về chính trị – hoặc mang tính thù địch – đều không được ông hoan nghênh. Sau lần bầu cử tổng thống ở Peru, Alan García (một chính trị gia tiếng tăm 36 tuổi theo đường lối trung tả, người được Fidel đánh giá là có thể trở thành một đối tác trẻ trong khu vực châu Mỹ La tinh), vào tháng 7/1985 dám chất vấn quan điểm của Fidel về thế giới, Fidel ngay lập tức có thái độ phản ứng một cách gay gắt.
García chống lại quan điểm của Fidel cho rằng các quốc gia con nợ ở khu vực châu Mỹ La tinh nên cùng nhau từ chối trả những khoản nợ khổng lồ cho các ngân hàng Mỹ, đã đưa ra nhận xét rằng trong khi các định chế tài chính của phương Tây là “đế quốc” thì liên minh quân sự theo Hiệp ước Warsaw và khối kinh tế Comecon, thị trường chung của các quốc gia theo chủ nghĩa Cộng sản, mà Cuba là một thành viên vào năm 1972, có khác gì đâu.
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Peru của García, Fidel đã làm mọi người bất ngờ bằng một điện văn chúc mừng chính thức lạ thường. Trong đó ông liệt kê tất cả những căn bệnh của quốc gia Peru, từ nạn mù chữ cho đến tình trạng “nghèo khổ đủ kiểu,” và nghiêm chỉnh nói thêm rằng “nếu ông thực lòng quyết định tranh đấu một cách nghiêm túc, vững vàng và kiên trì chống lại bức tranh xã hội đầy tai ương theo kiểu Dante và giải phóng quốc gia mình, như lời hứa hẹn công khai của ông, ra khỏi sự thống trị và lệ thuộc của chủ nghĩa đế quốc, nguyên nhân duy nhất của tấn bi kịch này, có thể ông phải tính đến sự hỗ trợ của Cuba.”
Có lẽ đó là bức điện văn chúc mừng có một không hai trong biên niên sử các lời sỉ nhục ngoại giao đương thời, và có thể điều không hẳn không liên quan là García chỉ đáng tuổi con trai lớn của Fidel; không một nhà lãnh đạo chín chắn nào lại ưa những người mới nổi. Về sau, chính phủ hai nước đã làm lành với nhau nhưng trước công luận Fidel tránh đề cập đến García.
Mức độ giận dữ, căm phẫn của Fidel là không có giới hạn, cả bên ngoài lẫn ngấm ngầm bên trong, và ông không do dự phát tiết nó một cách riêng tư lẫn công khai.
Hồi còn ở Sierra Maestra, ông đã rất giận khi thấy một du kích đã vô tư xài phí chỉ một viên đạn (và ông đã doạ là sẽ phạt thật nặng) và thậm chí khi đã trở thành chủ tịch Cuba, khi biết những chuyện quan liêu ngớ ngẩn của thuộc cấp, ông đã nổi nóng tuôn ra một tràng những lời chửi rủa – toàn bằng tiếng Tây Ban Nha nặng nề nhất. Đây không phải là những điều bất thường sau hơn một phần tư thế kỷ cuộc cách mạng thành công. Các cộng sự lâu năm nhất của ông cũng phải sợ “cơn thịnh nộ của Fidel.”
Trên một bình diện khác, việc Fidel ra lệnh cho hơn một trăm nghìn người Cuba ở Mariel di cư sang Mỹ vào mùa xuân năm 1980 là hành động thể hiện cơn giận dữ của ông đối với tổng thống Jimmy Carter vì đã khuyến khích tạo ra làn sóng những người Cuba đổ xô trốn vào các tòa đại sứ nước ngoài ở Havana để xin tị nạn chính trị.
Fidel và em trai Raul Castro. Ảnh: Getty Images. |
Cảm xúc vẫn là một yếu tố mạnh mẽ can thiệp vào việc ra quyết định của Fidel. Ông đã đình hoãn hiệp định di dân đã ký với Mỹ vào năm 1985 vì chính quyền Reagan đã đưa vào hoạt động đài phát thanh thù địch với Cuba có tên là “Đài phát thanh Martí.”
Fidel đã nói với những thân hữu của mình rằng ông vô cùng phẫn nộ khi thấy tên tuổi thiêng liêng của Martí được Mỹ lợi dụng mang ra sử dụng cho một hành động chống lại nhân dân và cuộc cách mạng Cuba; còn thực ra ông chẳng hề quan tâm đến những gì mà cái đài này phát ra.
Sự phẫn nộ của Fidel (và tâm trạng nóng nảy, im lặng lạ thường của ông – đôi lúc để thay cho các cơn giận) là một phần trong cá tính không khoan nhượng, hết sức ngay thẳng, kiên cường, liều lĩnh và kiêu hãnh của ông.
Ông đòi hỏi những người xung quanh phải nhanh chóng hiểu những ý tưởng nảy sinh dù chỉ là nhỏ nhất của mình. Những ý tưởng đột xuất này, xảy ra khá thường xuyên, trải rộng trong phạm vi từ cao đẹp, như yêu cầu phải có ngay một tác phẩm văn học hiếm, cho đến những việc có vẻ khôi hài, như nhất định đòi một cố vấn hàng đầu tháp tùng theo ông phải cung cấp kích cỡ giầy nhà binh của Fidel cho một người bạn đã có nhã ý đề nghị là sẽ kiếm cho ông một đôi đặc biệt ở Texas.