Fidel Castro - Cuộc đối đầu mười đời tổng thống Mỹ và những âm mưu ám sát của CIA ra mắt độc giả Việt Nam năm 2003, đúng dịp kỷ niệm 45 năm quốc khánh Cuba.
Với dung lượng 600 trang, cuốn sách được xây dựng trên khối tư liệu phong phú và đáng giá về vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước Cuba.
Được sự đồng ý của Công ty Văn hoá sáng tạo Trí Việt - First News, Zing.vn trích đăng lại một số phần của cuốn sách.
Tựa đề các đoạn trích do Zing.vn đặt lại.
Truyền hình - Công cụ truyền bá sở trường của Fidel
Quả thực, cuộc cách mạng của Fidel Castro – hay ít ra là việc truyền bá tư tưởng cách mạng này cho nhân dân Cuba – có thể đã không thành công nếu không nhờ hệ thống truyền hình. Trên thực tế, ngay từ ngày đầu, Fidel đã lãnh đạo quần chúng thông qua truyền hình.
Ông là người đầu tiên sử dụng kỹ thuật này với quy mô như thế trong kỹ năng thu phục nhân tâm, hoàn toàn khác với các cuộc vận động tranh cử chính trị.
Ngoài khả năng giao kết tự nhiên của ông với người nghe và việc ông sử dụng mối đồng cảm cộng sinh bằng cách diễn thuyết trước các cử tọa đông đến hằng triệu người trong những năm đầu cầm quyền thì truyền hình là phương tiện không thể thiếu để truyền tải gương mặt, giọng nói và thông điệp của Fidel vượt ra khỏi buổi diễn thuyết ở quảng trường để đến tận nhà của người dân Cuba. Về sau, truyền hình trở thành kênh thông tin thường xuyên giữa Castro và dân chúng.
So với tiêu chuẩn Mỹ La tinh và thậm chí tiêu chuẩn Mỹ, vào đầu năm 1959, khi lực lượng cách mạng lật đổ chế độ Batista, kỹ thuật truyền hình Cuba cũng được xem là khá tiên tiến và số lượng máy truyền hình ở đảo quốc này khá cao, đặc biệt là ở thành thị.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất đó là Fidel, mà quan niệm cách mạng của ông luôn luôn được xây dựng trên việc giao tiếp với quần chúng, hiểu ngay ra rằng ông và truyền hình cùng tồn tại là để dành cho nhau. Thật ra, Cuba vốn có truyền thống sử dụng đài phát thanh trong lĩnh vực hoạt động chính trị và Fidel trong một số dịp giới hạn đã chứng tỏ sức thu hút của mình khi đứng trước một micro.
Fidel Castro được coi là một trong những diễn giả huyền thoại của thế kỷ 20. Ảnh: Getty Images. |
Vào năm thứ hai và cuối cùng của cuộc kháng chiến, Fidel đã cho lập một đài phát thanh, lấy tên là Đài tiếng nói Nổi dậy- đặt tại bộ chỉ huy của ông ở Sierra Maestra.
Đài phát thanh này nhanh chóng chuyển thành khí cụ tuyên truyền tuyệt vời và phổ biến các mật lệnh hành quân. Ông thường trò chuyện với nhân dân Cuba thông qua đài phát thanh này.
Do vậy, quá trình chuyển qua truyền hình là điều tự nhiên và hình ảnh của Fidel xuất hiện một cách ấn tượng trước máy quay và tài diễn tả rất phong phú của ông sẽ làm nốt phần còn lại.
Công cụ tuyên truyền này của Cuba được chuẩn bị kỹ lưỡng đến mức cả đất nước có thể được nghe Castro nói trực tiếp (luôn luôn trọn vẹn từ đầu đến cuối). Đôi khi, một số bài diễn văn còn được phát lại qua hai kênh quốc gia trong nhiều ngày.
Thêm vào đó, mỗi lần Fidel xuất hiện trước công chúng thì đều được truyền hoặc trực tiếp trong các bản tin tường thuật đặc biệt hoặc như một phần của bản tin thời sự thường xuyên của đài truyền hình (tất nhiên, đài phát thanh cũng truyền đi giọng nói của Fidel).
Nhà hùng biện vĩ đại
Thật khó tin là Fidel, bề ngoài trông có vẻ thích nói chuyện trước công chúng, thật sự lại khó chế ngự được nỗi lo sợ ở thời điểm bắt đầu. Có lần, ông tâm sự với tạp chí Bohemia, “Thú thật là… tôi cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến việc phải bước lên diễn đàn nói chuyện ở Quảng trường Cách Mạng… Với tôi, điều đó hoàn toàn không dễ chút nào.”
Hồi còn trẻ, ông thường phải thu hết can đảm để có thể đứng trước gương trong phòng mình tập phát biểu cho tới khi hài lòng và điều này đủ để khuyến khích ông theo đuổi nghề luật và chính trị. Gần như trong mọi trường hợp, Fidel thường mở đầu bài diễn văn bằng cách nói thấp giọng và có vẻ như do dự, chậm rãi - cho tới khi ông đột nhiên cảm thấy là mình đã giao kết được với khán thính giả. Kể từ giây phút đó trở đi, Fidel mới đích thực là mình, một nhà hùng biện vĩ đại.
Cũng như Gladstone và Winston Churchill, ông là một trong số những nhà hùng biện tiếng tăm không bao giờ chế ngự được nỗi lo ngại lúc ban đầu.
Fidel rất say mê môn nghệ thuật hùng biện. Ông nhớ lại thời còn là học sinh trung học, trong các kỳ nghỉ hè ông đã kết bạn với một người học thức Tây Ban Nha ở Oriente. Người bạn này kể với ông là để vượt qua khó khăn khi ph|t biểu, diễn giả nổi tiếng Demosthenes thường đặt một hòn sỏi vào dưới lưỡi của mình.
Từ câu chuyện này, Fidel kể tiếp là dạo còn học trung học, ông bắt đầu sưu tập các bài nói chuyện của những nhà hùng biện vĩ đại trước kia, nhưng sau đó ông mới thấy rằng ông không thích cách hùng biện của họ vì “qúa hoa mỹ, khoa trương và phải lệ thuộc quá nhiều vào khả năng chơi chữ.”
Hơn nữa, với tích cách luôn thực tế và tự chủ, ông cho rằng những nhà hùng biện Demosthenes và Cicero ngày nay chắc sẽ “gặp khó khăn lớn khi phải đối mặt với những thực tế cụ thể và phải giải thích về xã hội của họ.”
Vậy nên Fidel thôi không tán dương nền dân chủ kiểu Athen khi ông hiểu rằng điều đó có nghĩa là “một nhóm rất nhỏ các nhà quý tộc gặp nhau tại những nơi công cộng để ra quyết định.”
Diễn giả mà Fidel yêu thích hóa ra lại là Emilio Castelar, một chính khách Tây Ban Nha nổi tiếng và là nhà tư tưởng lỗi lạc, thủ lĩnh của nền Đệ Nhất Cộng Hòa yểu mệnh ở Tây Ban Nha năm 1873. Tuy nhiên, dù các bài diễn văn đọc trước nghị viện của ông ấy có tuyệt vời đến mấy thì “ngày nay ông cũng sẽ nhận lãnh những thất bại thảm hại trong bất kỳ nghị viện nào".
Cuối cùng, Fidel quyết định thực hành trái ngược hẳn với những gì mà mọi nhà hùng biện vĩ đại trong lịch sử đã làm, tạo ra cách nói sôi nổi mà như trò chuyện. Ngày nay khó có nhà lãnh đạo nào trên thế giới lại có thể tìm thấy niềm vui trong việc phân tích tỉ mỉ những bài diễn văn kinh điển, hoặc có khả năng tạo ra được sức sống riêng cho nó.
Những bài hùng biện của Fidel đã "mê hoặc" người dân Cuba. Ảnh: Indian Express. |
Cũng đã có những bài diễn văn “bí mật” của Fidel, không biết về số lượng, đọc trước Đảng Cộng sản hoặc trước giới quân sự chỉ huy các lực lượng vũ trang, và những bài phát biểu tâm tình, không được xuất bản, trước các hội nghị. Ví dụ như Liên đoàn Phụ nữ Cuba hoặc Ủy ban Phòng vệ Cách Mạng.
Ngoài ra, tất cả những nhà lãnh đạo cách mạng cao cấp nhất - những người ủng hộ Castro và cả những đảng viên Cộng sản “cựu” hoặc “tân” – đều góp phần vào việc hùng biện để tập họp toàn dân Cuba đi theo Cuba, để yêu cầu các nỗ lực mới…
Dân Cuba ngày nay vẫn còn quan tâm đến các buổi nói chuyện của Fidel. Trước tiên, con người và nghệ thuật hùng biện của ông vẫn còn rất hấp dẫn. Thứ hai, không một ai trong một xã hội được tổ chức chặt chẽ và nguyên tắc về mặt tư tưởng như Cuba lại muốn thiếu hiểu biết về những điều mà vị Chủ tịch của mình nói.
Việc thấm nhuần tư tưởng của Fidel quan trọng đến nỗi mà các quân nhân, công nhân hay sinh viên phải nghiên cứu những bài diễn văn của ông càng mau càng tốt để có thể giải thích với người khác. Nếu dùng đúng được lời lẽ, khẩu hiệu và quan điểm của ông về các vấn đề đối nội và đối ngoại thì hiệu quả rất cao.