Quyết định trên được đưa ra sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày dưới sự điều hành của Chủ tịch FED, bà Janet Yellen, tại Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC). Theo đó, lãi suất cơ bản tại Mỹ tiếp tục duy trì ở mức 0-0,25% ít nhất đến tháng 11 năm nay, khi FED mở cuộc họp mới, tờ The Guardian cho hay.
Nguyên nhân của quyết định này, theo Janet Yellen, là kinh tế Mỹ chưa đáp ứng được mức lạm phát 2%. "Tác động của việc thị trường lao động được cải thiện đang tạo áp lực lên mức lạm phát kỳ vọng tại Mỹ. FED cần có sự đảm bảo chắc chắn hơn trước khi tăng lãi suất".
Chủ tịch FED tại cuộc họp báo sau quyết định lịch sử. Ảnh: AP. |
Chủ tịch FED cũng cho rằng, kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng, và chính sách lãi suất hiện tại cũng hỗ trợ tích cực vào xu hướng này. Vì vậy, Mỹ không cần vội vàng ra quyết định trước cuộc họp vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới đây.
Trước và sau khi FED thông báo quyết đinh, thị trường chứng khoán đã ghi nhận đợt rung lắc khá mạnh. Chỉ số S&P 500 có lúc đã rơi xuống 1.990 điểm trước khi vọt lên 2.020 điểm. Dow Jones mất 1% trước khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 20/8. Trong khi đó, giá vàng cũng tăng thêm 17 USD mỗi ounce trên sàn giao dịch New York.
Trả lời phỏng vấn sau cuộc họp báo công bố quyết định lịch sử có tác động đến hàng triệu người Mỹ cũng như với kinh tế toàn thế giới, bà Janet Yellen khẳng định trần nợ của Chính phủ không phải là nguyên nhân dẫn tới việc FED giữ nguyên lãi suất.
"FED cũng không góp phần vào việc trầm trọng hóa thêm bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ, vì thực tế, chỉ khi tỷ lệ thất nghiệp cao thì bất bình đẳng mới tăng. Còn mục tiêu của FED là đảm bảo lạm phát trung hạn về mức 2%, trong khi vẫn giữ được những động lực cần thiết cho nền kinh tế".
Cuộc họp tại FED được truyền hình trực tiếp trên mọi sàn giao dịch của Mỹ. Ảnh: AP. |
FED cũng cho rằng, tác động từ Trung Quốc là không đáng kể vào quyết định của mình, bởi sự suy giảm trong nền kinh tế hàng đầu châu Á là "không có gì bất ngờ". Chủ tịch FED liên tục nhấn mạnh rằng, những yếu tố nội tại trong lòng nước Mỹ mới là nguyên nhân thực sự cho quyết định trên, dù Mỹ luôn quan tâm tới sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ 2016 Bernie Sanders đã ca ngợi quyết định của FED và cho đó là một tin tốt lành. "Vào thời điểm khi tỷ lệ thất nghiệp thực tế là hơn 10%, chúng ta cần phải làm mọi thứ có thể để tạo ra hàng triệu việc làm và nâng lương cho người dân Mỹ. Đây thời gian FED phải hành động để 'tái tạo' tầng lớp trung lưu tại Mỹ, như cách cơ quan này thực hiện những nghiệp vụ mang tính bảo lãnh cho phố Wall cách đây 7 năm".
Trước đó, hai kịch bản của FED được truyền thông, chuyên gia cùng dự đoán. Nhóm ủng hộ kịch bản tăng lãi suất là lãnh đạo các ngân hàng trung ương trên thế giới khi cho rằng những con số ấn tượng về kinh tế Mỹ sẽ giúp quyết định của FED là "dễ hiểu và hợp lý, và đó là tín hiệu cho thấy sức khỏe của nước Mỹ đang tích cực".
Trong khi ở chiều ngươc lại, Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới, cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ Larry Summers hay Paul Krugman - nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel - lại khuyên FED nên hoãn tăng lãi suất.