"Anh lấy tư cách gì để được quyền xử người khác. Việc anh xúi người ta đi xử người khác là sai", ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, phân tích vụ kích động bạo lực của Facebooker Đàm Vĩnh Hưng bên lề tọa đàm "Nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 22/10.
Từ góc độ quản lý, ông Cường cho rằng đối với hành vi như kêu gọi kích động, đập phá có thể xử lý được nếu cơ quan chức năng làm rõ mối liên hệ giữa lời kêu gọi trên mạng xã hội (MXH) và hành vi kích động trên thực tế. Nếu bị hại khiếu nại thì hành vi càng dễ xử lý hơn.
"Về mặt luật pháp, nếu truy tiếp thì có thể xử lý chủ tài khoản Facebook đó về mặt hình sự dựa vào Bộ luật Hình sự, có thể cải tạo với hình thức giam giữ tới 3 năm. Còn góc độ hành chính thì Sở Thông tin và Truyền thông có thể xử phạt từ 20-30 triệu đồng theo Nghị định 174", ông Cường phân tích.
Hoa hậu Diễm Hương cho rằng người nổi tiếng cần cẩn trọng với mọi phát ngôn của mình. Ảnh: Thu Hằng. |
Nhận định về hành vi của Facebooker Đàm Vĩnh Hưng, Hoa hậu Diễm Hương cho rằng nếu một nghệ sĩ sử dụng mạng xã hội để thể hiện sự bất bình với hành vi bạo hành trẻ là không sai.
Tuy nhiên, với vị trí một người nổi tiếng, có ảnh hưởng với cộng đồng, Hoa hậu Thế giới người Việt năm 2010 cho rằng hành vi kích động bạo lực là không thể chấp nhận được, việc này có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng người khác, gây bất ổn cho trật tự xã hội.
"Công lý đám đông" là cụm từ mà ông Phan Văn Tú, Trưởng bộ môn Báo chí của Khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, dùng để miêu tả hành vi của Facebooker Đàm Vĩnh Hưng.
Ông Tú cho rằng một người có tầm ảnh hưởng với hàng triệu lượt người theo dõi trên MXH là người nắm giữ quyền lực truyền thông và cần cẩn trọng với mọi hành vi của mình trên MXH, bởi sức lan tỏa khó lường của nó.
"Việc Facebooker Đàm Vĩnh Hưng gỡ dòng trạng thái không khiến chủ nhân của nó xóa đi hành vi sai trước đó", ông Tú nhận định.
Phó TBT Báo Thanh Niên Hải Thành (bên trái) và Phó giám đốc Sở TTTT Lê Quốc Cường (bên phải hình) tại buổi tọa đàm "Nói không với vu khống, trục lợi trên mạng xã hội" . Ảnh: Thu Hằng. |
Trao đổi với Zing.vn bên lề Hội nghị triển khai các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội quý IV của Thường trực UBND TP, ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TTTT TP.HCM, khẳng định việc Facebooker Đàm Vĩnh Hưng treo thưởng 20 triệu đồng để đánh ông bố tại An Giang là không thể chấp nhận.
"Chúng ta không thể dùng một hành động trái pháp luật để đáp trả một hành vi sai trái khác, mọi thứ phải nằm trong khuôn khổ luật pháp. Chúng ta có quyền chia sẻ, phản ứng lại cái xấu để xã hội lành mạnh hơn, nhưng cần phản ứng đúng mực", ông Dương Anh Đức nói.
Lãnh đạo Sở TTTT khẳng định pháp luật đã có quy định cụ thể cho những hành vi kích động như trên; tuy nhiên, việc xử lý cần thực hiện đúng quy trình, thủ tục đã quy định.
"Để xử lý được sự việc, người chịu ảnh hưởng, ở đây là ông bố phải trực tiếp tố cáo. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xác minh chủ nhân chính xác của tài khoản Facebook đã kêu gọi là ai, có phải ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng hay không", Giám đốc sở TTTT thông tin.
Đồng quan điểm, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM, phản đối việc Facebooker Đàm Vĩnh Hưng treo thưởng 20 triệu đồng và nhóm người truy tìm, hành hung người đàn ông kia.
"Ông bố đã vi phạm quyền trẻ em; tuy nhiên, ông ấy cũng được luật pháp bảo vệ về quyền công dân. Có nhiều cách để phản đối hành động trên một cách nhân văn, hiệu quả hơn", đại biểu HĐND TP.HCM bày tỏ.
Bà Nhung cũng nhấn mạnh hành động của Facebooker Đàm Vĩnh Hưng gây ảnh hưởng xấu đến xã hội về lâu dài và đề nghị các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm hành động trên.
"Nếu ai cũng giải quyết vấn đề theo cách lên mạng xã hội treo thưởng như vậy thì pháp luật liệu còn có sức nặng", Trưởng ban Văn hóa Xã hội đặt câu hỏi.