Theo The Guardian, nhằm tăng cường kiểm soát các nội dung xuất hiện trên mạng xã hội, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị bỏ phiếu một dự thảo luật có thể cấm hoàn toàn Facebook, Twitter, YouTube hoạt động nếu các nền tảng không tuân thủ quy định tại quốc gia này.
Dự thảo luật yêu cầu các công ty mạng xã hội nếu có trên một triệu người dùng, phải xây dựng văn phòng đại diện chính thức tại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc chỉ định một cá nhân trong nước để chịu trách nhiệm pháp lý với chính quyền.
Khi có khiếu nại về "vi phạm quyền cá nhân và quyền riêng tư", các công ty hoặc người đại diện phải có trách nhiệm phản hồi trong 48h. Ngoài ra, trung tâm dữ liệu người dùng cũng phải được đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người luôn cố gắng kiểm soát tiếng nói cho các cơ quan thông tin truyền thống. Ảnh: Adem Altan/AFP. |
Dự thảo luật còn xác định nếu các ông lớn công nghệ trên không tuân thủ theo các quy định, họ có thể bị phạt một số tiền lên tới 1,5 triệu USD. Chính phủ quốc gia này có thể bóp băng thông Internet để hạn chế 90% lượng người truy cập vào nền tảng của họ.
Đáng chú ý, dự thảo luận cho phép các tòa án Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các trang tin tức, trang mạng xã hội xóa bỏ những nội dung không phù hợp trong 24h.
Hiện tại, dự thảo luật đã được thông qua bởi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 25/7, dự thảo sẽ tiếp tục được trình lên các cơ quan cao hơn, nhưng dự kiến sẽ được thông qua nhờ sự ủng hộ của đảng cầm quyền và liên minh của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Ông Erdogan được biết là đã liên tục củng cố quyền kiểm soát đối với các phương tiện truyền thông truyền thống suốt 17 năm cầm quyền. Sự kiểm soát chặt chẽ của ông vô tình biến các kênh truyền thông mạng xã hội, trang tin online trở thành nền tảng chính cho các nhà phê bình chính phủ hoạt động.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Twitter nhận 6.073 yêu cầu từ chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, yêu cầu họ phải xóa rất nhiều nội dung từ 8.993 tài khoản trên mạng xã hội này. Twitter chỉ thực hiện khoảng 5% những yêu cầu trên.
Hiện tại, cả Facebook và Twitter từ chối nhận xét về dự thảo luật này. YouTube cho biết cần thêm thời gian để đưa ra bình luận.
Dự thảo luật này lần đầu tiên được giới thiệu vào tháng 4, nằm trong một danh sách các biện pháp hồi phục kinh tế trong giai đoạn dịch Covid-19. Tuy nhiên, dự thảo nhanh chóng bị phản đối và chỉ trích bởi các luật sư, nhóm hoạt động nhân quyền, các chính trị gia ở đảng đối lập.
"Đây là một kế hoạch trắng trợn nhằm tăng cường sự kiểm soát thông tin, buộc các công ty quốc tế tuân thủ để che đậy các tin tức cho các nhà lãnh đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ", Gulnoza Said, thành viên của Ủy ban Bảo vệ nhà báo tại châu Âu và Trung Á cho biết.