Ngày 25/7, fanpage bán hàng V.O. đăng tải bài viết tặng quà trị giá 350.000 đồng nhân dịp sinh nhật cửa hàng. Yêu cầu của trang này là người nhận quà bình luận thông tin gồm tên, địa chỉ và số điện thoại đồng thời chia sẻ bài viết. Với hơn 100.000 người theo dõi, bài viết của V.O. nhận được hàng chục nghìn bình luận chia sẻ thông tin cá nhân chỉ trong vài tiếng đồng hồ.
Sau khi bài viết tặng quà ban đầu bị lợi dụng, trang này đã phải thay đổi cách tặng. |
Đáng chú ý là các thông tin bình luận được đăng tải công khai, ai cũng có thể đọc được. Sử dụng một công cụ có sẵn trên mạng, người có ý đồ xấu có thể dễ dàng lọc các bình luận để lấy thông tin người dùng.
"Các tool (công cụ - PV) lọc bình luận rất nhiều. Miễn trang đó không ẩn bình luận đi thì công cụ có thể lấy được dữ liệu. Các công cụ này có sẵn trên Google, chỉ cần nhập đường dẫn là nó quét cho", Mai Thanh Phú, người làm dịch vụ Facebook lâu năm, ngụ tại TP.HCM chia sẻ.
Vài giờ sau khi bài viết của V.O. được đăng tải, nhiều người đã hả hê khoe lượng dữ liệu thu thập được, trong đó có không ít người bán hàng online từ các shop khác. Từ đây, kẻ khai thác được dữ liệu có thể lọc lấy số điện thoại của người dùng để làm đối tượng quảng cáo Facebook.
Nhiều người nhanh chóng khoe kho dữ liệu thu thập từ status trước của cửa hàng. Dữ liệu này có thể được lấy rất đơn giản từ các tool miễn phí trên mạng. |
Ngoài nguy cơ bị lộ dữ liệu và làm phiền, việc vô tư chia sẻ số điện thoại, địa chỉ có thể đẩy người dùng vào nguy cơ bị lừa gạt.
Một cách trục lợi khác thường được gọi là "ship lụi". Theo chuyên gia, trong thủ đoạn này, kẻ lợi dụng sẽ dùng số điện thoại, địa chỉ người nhận để gửi tới một món hàng vô giá trị.
Người dùng sẽ trả một khoản phí vận chuyển, thường khoảng vài chục nghìn, nhưng khi mở ra thì trong hộp không có gì đáng giá.
"Đây chỉ là một trong những cách mà người ta có thể tạo phễu, lấy thông tin người dùng. Ở nước ngoài cũng có một cách phổ biến là tặng quà trên Instagram, không mất tiền quà nhưng mất tiền vận chuyển", Lê Minh Hiệp, chuyên gia công nghệ ngụ tại Đồng Nai chia sẻ.
Sau khi nhận ra sơ hở có thể khiến người bình luận lộ thông tin cá nhân, fanpage V.O. đã sửa yêu cầu nhận hàng, người nhận phải gửi thông tin vào email của trang. Phương thức này được cho sẽ đảm bảo thông tin không bị công khai. Trang cũng ẩn hàng nghìn bình luận chia sẻ thông tin trước đó.
Thủ đoạn "ship lụi" từng xuất hiện trước đây, khi thông tin bị lộ sẽ được tận dụng để gửi những món đồ không cần thiết, vô giá trị. |
Đáng nói là nhiều người dùng chưa nhận thức được thông tin của mình có thể bị lợi dụng như thế nào khi chia sẻ công khai. Rất nhiều thành viên trong nhóm V.O. đăng bài cho biết bị liên lạc để mua hoặc xác nhận chuyển món đồ không liên quan hay bị đòi nợ.
Thủ đoạn này từng rộ lên vào đầu tháng 4/2019, khi nhiều kẻ gian giả dạng các đơn vị thương mại điện tử như Shopee, Giao Hàng Tiết Kiệm để lừa người dùng mua hàng với thông tin từ địa chỉ, số điện thoại đến tên tuổi đều ghi rất chính xác. Với thói quen vô tư chia sẻ thông tin cá nhân, người dùng dễ trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ lừa đảo.