Apple đã thừa nhận sự cố micro xuất hiện trên các mẫu iPhone 7 và iPhone 7 Plus chạy iOS 11.3 trở lên. Ảnh: GIGA. |
Apple đã đạt thỏa thuận gói bồi thường trị giá 35 triệu USD dành cho người dùng iPhone 7/7 Plus gặp lỗi về micro âm thanh. Điều đó có nghĩa là nếu bạn sở hữu một trong những chiếc điện thoại này, bạn có thể được trả lại tiền.
Số tiền tối thiểu người dùng nhận được là 50 USD và tối đa là 394 USD. Ngày 3/7 là hạn cuối để nộp đơn hoàn tiền. Bởi thẩm phán ở Tòa án Quận phía Bắc California vừa thông qua lệnh kéo dài thời hạn gửi yêu cầu bồi thường thêm 1 tháng, từ 3/6-3/7.
Những khách hàng Mỹ đã sử dụng sản phẩm lỗi từ ngày 16/9/2016 - 3/1/2023 có thể nộp đơn nhận tiền bồi thường. Nhưng đi kèm với đó là các yêu cầu khá nghiêm ngặt. Những người đủ điều kiện phải thuộc một trong 2 nhóm. Một là những người đã bỏ tiền túi để sửa chữa iPhone 7 hoặc 7 Plus do sự cố âm thanh. Hai là những khách hàng đã báo cáo sự cố nhưng chưa trả tiền sửa chữa.
Trong đó, những khách hàng tự bỏ tiền túi để hãng thay thế và sửa chữa micro sẽ nhận được "khoản thanh toán tương đương ít nhất là 50 USD và không quá 349 USD". Trong khi đó, những người đã báo cáo sự cố âm thanh cho Apple nhưng không trả tiền thay thế linh kiện sẽ nhận được “khoản bối thường tối đa 125 USD”.
Trước đó, năm 2018, Apple đã thừa nhận sự cố micro xuất hiện trên các mẫu iPhone 7 và iPhone 7 Plus chạy iOS 11.3 trở lên. MacRumors đưa tin những khách hàng gặp lỗi sẽ nhận thấy nút loa chuyển sang màu xám trong khi gọi thoại. Sự cố cũng có thể khiến khách hàng không thể nghe thấy tiếng trong khi gọi thoại hoặc gọi video FaceTime.
Sau đó, Apple cung cấp một tài liệu, bao gồm các bước khắc phục sự cố để nhân viên và đối tác thực hiện theo. Cụ thể, nhà cung cấp dịch vụ được Apple ủy quyền trước tiên sẽ yêu cầu khách hàng ngắt kết nối hoặc tắt mọi tai nghe Bluetooth hoặc phụ kiện âm thanh khác, có kết nối với iPhone.
Apple phải bồi thường 35 triệu USD cho người dùng iPhone 7/7 Plus. Ảnh: Bloomberg. |
Nếu nút loa vẫn hiển thị màu xám trong khi gọi, nhà cung cấp dịch vụ sẽ chạy trình chẩn đoán âm thanh. Các thiết bị gặp lỗi sẽ hiển thị cảnh báo "thiết bị không thể phát hiện dock" hoặc "phụ kiện không được hỗ trợ" trong trình chẩn đoán. Trong trường hợp đó, nhà bán lẻ sẽ nhận sửa chữa iPhone.
Nếu iPhone 7 hoặc iPhone 7 Plus gặp lỗi hết hạn bảo hành, Apple cho biết các đối tác có thể yêu cầu sửa chữa theo diện trường hợp ngoại lệ. Tài liệu của Apple không nêu rõ liệu việc sửa chữa có miễn phí hay không. Theo tuyên bố gần đây của Táo khuyết, trung bình khách hàng đã tự chi trả 193 USD cho hãng để sửa chữa hoặc thay thế lỗi này.
Tuy nhiên, đến tháng 7/2018, Apple đột ngột kết thúc chương trình khắc phục lỗi micro miễn phí mà không thông báo với người dùng. Hãng cũng xóa tài liệu nội bộ có liên quan tới vấn đề micro và ngừng mọi quá trình sửa miễn phí tại các Apple Store. Sau đó các nhân viên bán lẻ và nhân viên hỗ trợ của Apple cũng không thừa nhận lỗi này.
Dựa trên số lượng người bị ảnh hưởng, nhiều người khẳng định đây là lỗi phần cứng. Họ đặt câu hỏi tại sao Apple không nhận sửa miễn phí và buộc khách hàng phải bỏ tiền ra để khắc phục.
Đến năm 2019, vụ kiện được đệ trình lên tòa án, cho rằng iPhone 7/7 Plus có vấn đề về âm thanh liên quan đến "chip IC âm thanh". Các nguyên đơn cũng cáo buộc Apple vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng và vi phạm chế độ bảo hành.
Táo khuyết không thừa nhận điện thoại có vấn đề về âm thanh. “Apple phủ nhận tất cả cáo buộc được đưa ra trong vụ kiện. Hãng phủ nhận rằng iPhone 7 hoặc iPhone 7 Plus gặp phải bất kỳ vấn đề âm thanh nào, đồng thời cũng phủ nhận rằng mình đã làm bất cứ điều gì không đúng hoặc bất hợp pháp”, trích trong thỏa thuận giải quyết.
Tuy nhiên, cuối cùng nhà sản xuất iPhone vẫn phải bồi thường để giải quyết vụ việc.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn