Năm 2020, Instagram ra mắt Reels, một tính năng chia sẻ video ngắn trên nền nhạc. Có ngôn ngữ thiết kế giống hệt nền tảng chia sẻ video ngắn đình đám TikTok, Reels cho thấy Facebook đang cố học theo cách làm của Trung Quốc.
Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó. Gần đây, giới lãnh đạo của công ty công nghệ này còn theo dõi sát sao từng động thái của TikTok vì lo ngại “kém miếng” với mạng xã hội nổi tiếng này. Hồi đầu năm, CEO Mark Zuckerberg đã quyết định cải tổ lại newsfeed trên các ứng dụng của mình.
Nỗ lực sao chép TikTok
Trong bức thư Giám đốc kỹ thuật Tom Alison gửi đến nhân viên, Facebook sẽ xây dựng trang news feed giống hệt TikTok bằng cách đề xuất các bài viết ngẫu nhiên thay vì ưu tiên những đăng tải của bạn bè, người quen.
Đồng thời, Messenger và Facebook cũng sẽ được gộp lại thành một ứng dụng chung hòng bắt chước tính năng nhắn tin trên mạng xã hội chia sẻ video của ByteDance.
Giám đốc Facebook Tom Alison đã trình bày về kế hoạch thay đổi Facebook để giống với TikTok. Ảnh: The Verge. |
Cụ thể, mục Stories và Reels sẽ được xếp vào vị trí đầu tiên của trang chính Facebook. Theo sau đó là những bài đăng trên Facebook và Instagram do thuật toán đề xuất. Nhằm giúp người dùng nhắn tin dễ dàng hơn, mạng xã hội này còn đặt hộp inbox của Messenger ngay đầu ứng dụng. Điều này đi ngược lại quyết định tách Messenger và Facebook thành 2 ứng dụng riêng biệt vào 8 năm trước.
Mặt khác, Instagram hiện nay luôn đẩy những video Reels từ những tài khoản lạ lên đầu trang. Trong khi đó, chỉ có những nội dung này chỉ chiếm 11% trên trang chủ Facebook và đa số là do người dùng chia sẻ lại với mạng lưới bạn bè của mình. Vì thế, để cạnh tranh với TikTok, hãng công nghệ cho rằng nên học theo tính năng “Dành cho bạn” (For You) hoạt động dựa trên hành vi của người dùng.
Cụ thể, khi một video được tải lên TikTok, thuật toán For You trước tiên sẽ hiển thị video đó cho một nhóm nhỏ người dùng. Những người này có thể đã theo dõi hoặc chưa theo dõi chủ sở hữu video nhưng TikTok xác định rằng họ có nhiều khả năng tương tác với video hơn dựa trên lịch sử xem video của họ. Điều này sẽ giúp các nhà sáng tạo dễ dàng thu hút lượng lớn lượt xem chỉ trong một đêm.
Alison cũng yêu cầu đội ngũ của mình bổ sung tính năng hỗ trợ người dùng gửi tin nhắn chia sẻ các video Reels cho nhau ngay trong Facebook thay vì phải thông qua các ứng dụng khác. Vị giám đốc hy vọng mạng xã hội này sẽ giúp người dùng có trải nghiệm sử dụng đơn giản và gọn gàng hơn.
Instagram Reels là tính năng cho thấy Facebook đang học theo cách làm của Trung Quốc. Ảnh: Instagram. |
Tập trung vào tính năng Reels, kế hoạch mới này cho thấy nỗ lực chuyển hướng của Meta với Facebook trước sự cạnh tranh khốc liệt từ TikTok, The Verge nhận định. Trong khi Instagram đang ngày càng giống TikTok nhờ sự xuất hiện của Reels, giới lãnh đạo của tập đoàn tiếp tục hy vọng “người anh em” Facebook sẽ tiếp tục nối gót để lấy lại sự quan tâm đến từ giới trẻ.
Thời thế thay đổi
Đây không phải lần đầu Facebook sao chép đối thủ. Câu chuyện TikTok gần đây có phần tương tự với cáo buộc sao chép ồn ào nhất của Facebook với Snapchat cách đây nhiều năm trước.
Cụ thể, "Stories" của Facebook cho phép người dùng đăng tải video ngắn, chỉ hiển thị trong 24h từng bị tố là sao chép tính năng nổi bật nhất của Snapchat. Nhưng lần này, với đối thủ đến từ Trung Quốc, Facebook phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn so với trước đây. Các nhà đầu tư đang dấy lên nhiều nghi ngờ về mảng quảng cáo của tập đoàn.
TikTok cũng dần chiếm ưu thế trên thị trường mạng xã hội khi sở hữu 3,6 tỷ lượt tải về, cao hơn 20% so với Facebook và 21% so với Instagram. Số liệu của công ty nghiên cứu Sensor Tower cũng chỉ ra trong quý I/2022, lượng thời gian người dùng iPhone dành cho TikTok lớn hơn Facebook đến 78%.
Trong khi đó, Facebook đang phải đối mặt với tình cảnh lần đầu đánh mất 500.000 người dùng hàng ngày hồi cuối năm ngoái và độ tuổi của đối tượng khách hàng cũng ngày một tăng.
Mark Zuckerberg đang tìm mọi cách, kể cả sao chép đối thủ và phá vỡ nét đặc trưng của Facebook, Instagram nhằm cạnh tranh với TikTok. Ảnh: Getty Images. |
Theo Eli Pariser, tác giả cuốn sách The Filter Bubble, news feed của Facebook đã thất bại trong việc xây dựng một môi trường an toàn, bền vững để người dùng chia sẻ về cuộc sống thường nhật của họ. “Mọi người đã nhận ra điều này mà dần chuyển sang những mạng xã hội khác khiến họ cảm thấy thoải mái hơn”, ông nói.
Mặt khác, nhận được thông báo cải tổ mục news feed, một vài nhân viên của Facebook tỏ ra lo ngại khi hãng bắt chước quá giống TikTok, làm sai lệch mục tiêu cốt lõi của nền tảng. “Tôi cho rằng kế hoạch này có rất nhiều rủi ro vì chúng ta chỉ chăm chăm chạy theo xu hướng và sở thích nhất thời của người dùng mà đi chệch hướng với giá trị cốt lõi của mình”, một nhân viên nói.
Một quản lý mảng sản phẩm cũng cho rằng TikTok chỉ phổ biến trong một thời gian ngắn, không thể phát triển lâu dài. “Sau này người dùng rồi cũng sẽ nhận ra thời gian bỏ vào mạng xã hội này là vô bổ”, người này nói.