Thời kỳ tăng trưởng kéo dài với doanh thu luôn đạt đỉnh, cơ hội làm việc rộng mở và giá cổ phiếu không ngừng tăng vọt của các Big Tech đang đi đến hồi kết. Giờ đây, các tập đoàn đình đám này đang phải đối diện với một thực tế đen tối, buộc phải cắt giảm nhân sự, tốc độ tăng trưởng giảm mạnh và tạm hoãn các kế hoạch mở rộng quy mô.
Điều này đã làm ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên, khó thu hút nhân tài trong ngành. Theo Bloomberg, nguyên nhân đến từ tình hình ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Big Tech thoái trào
Hôm 23/5, mạng xã hội Snap vừa cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận, đồng thời hạn chế tuyển dụng nhân sự mới trong thời gian tới. Ngay sau đó, Lyft, ứng dụng đặt xe tại Mỹ, cũng cho biết sẽ cắt giảm nhân viên và các chi phí vận hành khác.
Sau gần 15 năm bùng nổ, ngành công nghệ đang đứng trước nguy cơ chững lại. Ảnh: Reuters. |
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các gã khổng lồ công nghệ khác. Tập đoàn Microsoft đã đề ra biện pháp giảm tuyển dụng mới ở một số bộ phận quan trọng. Meta, công ty mẹ của Facebook, và Twitter cũng hạn chế thuê thêm nhân công nhằm giảm thiểu chi phí. Về phần Apple, công ty này cảnh báo doanh thu quý II/2022 sẽ thất thoát lên đến 8 tỷ USD do ảnh hưởng của chính sách Zero Covid ở Trung Quốc.
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng sụt giảm 7 tuần liên tiếp, lập chuỗi giảm dài nhất trong 21 năm qua.
Những động thái này cho thấy vị trí của các tập đoàn công nghệ đã có phần lung lay trước nền kinh tế toàn cầu đầy biến động. “Lĩnh vực công nghệ không còn mang tính chắc chắn như trước đây vì những nhân tố cơ bản đang chống lại nó”, Tom Forte, nhà phân tích tại D.A. Davidson cho biết.
Mặt khác, nỗi lo mất việc cũng ám ảnh các nhân viên tại Thung lũng Silicon. Trên Blind, ứng dụng dành cho nhân viên, các cuộc thảo luận về việc các công ty hoãn tuyển dụng đã tăng gấp 13 lần chỉ trong vòng 1 tháng. Trong khi đó, chủ đề về sa thải tăng gấp 5 lần, chủ đề về suy thoái thị trường tăng gấp 50 lần.
Theo Layoffs.fyi, 126.000 nhân viên trong lĩnh vực công nghệ đã bị đuổi việc kể từ đầu đại dịch đến nay. Tháng trước, Netflix cũng cho biết hãng đã sa thải 150 nhân sự trước tình trạng đánh mất người dùng, cổ phiếu giảm mạnh. Với Meta, các quản lý đang có kế hoạch giảm tuyển dụng với một vài vị trí nhất định.
Trong khi đó, nhân viên của Twitter, lại phải đối diện với nguy cơ mất việc khi Musk lên nắm quyền lãnh đạo công ty. CEO Parag Agrawal cũng gửi thông báo đến 7.500 nhân viên của mình rằng công ty mạng xã hội này sẽ thắt chặt chi tiêu, ưu tiên cho những nhu cầu quan trọng bằng cách cắt giảm các chi phí du lịch, marketing và tổ chức sự kiện.
Thắt lưng buộc bụng
“Mọi người dần nhận ra công nghệ không chỉ thú vị mà còn gắn liền với đời sống thường ngày. Do đó, những gì đang diễn ra gần đây chỉ là thị trường đang tự điều chỉnh mình”, Russell Hancock, CEO của Joint Venture Silicon Valley. Song, ông cũng không khỏi lo ngại rằng lĩnh vực công nghệ sẽ dần mất đi khả năng đổi mới và sáng tạo.
Gần đây hàng loạt các công ty công nghệ nổi tiếng tuyên bố cắt giảm nhân viên. Ảnh: Getty Images. |
Theo Bloomberg, nhằm chuẩn bị cho tình trạng kinh doanh bấp bênh trước mắt, các Big Tech đang dần “thắt lưng buộc bụng”, cẩn trọng trong việc lựa chọn các khoản đầu tư khác nhau.
Trước đó, vào năm 2020, Amazon từng chi mạnh tay vào nhân sự và quy mô nhà kho để đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng cao trong đại dịch nhưng chúng lại trở nên thừa thãi ở thời điểm hiện tại. Amazon cho biết hãng đang sở hữu nhiều nguồn lực và mặt bằng hơn mức cần thiết, khiến nhiều nhân viên trở nên “vô công rỗi nghề” dù trước đây đảm nhiệm rất nhiều công việc thi công.
Hồi tháng 2, CEO Meta Mark Zuckerberg cũng cho biết công ty đang bắt đầu chuyển sang tập trung phát triển ứng dụng Reels, tin nhắn riêng tư và metaverse.
“Chúng tôi sẽ chuyển phần lớn nhân lực công ty vào các lĩnh vực này”, ông khẳng định. Meta còn cho hay sẽ nỗ lực thận trọng hơn với các khoản đầu tư bằng việc cắt giảm chi phí vận hành xuống còn 3 tỷ USD.