Trao đổi với Zing.vn, ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin Truyền thông) nhìn nhận: Thực tế việc Facebook "gộp" 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa vào Trung Quốc đã xảy ra. Dù đại diện mạng xã hội này lý giải rằng đó là lỗi kỹ thuật thì chúng ta không biết và cũng không thể biết được thực chất Facebook có ý đồ gì.
- Ông đánh giá thế nào về mức độ nguy hiểm từ thông tin hình ảnh bản đồ sai trái mà Facebook sử dụng?
- Tôi cho rằng đây là vi phạm nghiêm trọng. Luật Biển Việt Nam nói rất rõ Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Trên thực tế chúng ta đã xác lập chủ quyền với 2 quần đảo từ xưa. Trong khi đó, Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, trỗi dậy cùng với các yêu sách chủ quyền với hai quần đảo này.
Truyền thông của chúng ta phải đấu tranh dư luận, tạo sức ép lên pháp luật quốc tế. Vì vậy, hình ảnh sai trái mà Facebook sử dụng cực kỳ bất lợi cho Việt Nam.
Ông Đoàn Công Huynh, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT). Ảnh: Lê Huy. |
Theo tôi, những thông tin đã phát ra của Facebook có những nơi người ta sử dụng với các cách khác nhau, rất tinh vi, bài bản. Bất cứ thông tin nào có thể tận dụng để đưa vào hồ sơ, họ làm lợi cho hồ sơ chủ quyền thì đó là điều ta không mong muốn và rất đáng tiếc.
Khi đối tượng tranh chấp của ta được lợi thì rõ ràng là chúng ta bất lợi.
- Facebook đã chỉnh sửa và lý giải sau khi chúng ta lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Tuy nhiên, đơn vị này không ghi nhận chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?
- Việc Bộ TT&TT lên tiếng rất nhanh nhạy và kịp thời, không hề lúng túng, kiên quyết là có lợi cho việc cho chúng ta ghi lại sử ký. Việc chúng ta liên tục phản đối cũng là một cách để khẳng định chủ quyền.
Bên cạnh đó, phản ứng của cộng động Facebooker Việt Nam đối với sự việc như vậy tôi cho là rất tốt.
Facebook thừa nhận đăng sai thông tin bản đồ về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nhưng không xin lỗi. |
Facebook cần phải có lời xin lỗi và cải chính phù hợp. Đó mới thực sự là điều cần thiết trong đấu tranh dư luận, cũng như là căn cứ pháp lý để cho chúng ta yên tâm và các đối tượng tranh chấp không thể lợi dụng. Họ phải lên tiếng là chúng tôi đã sửa vì điều đó là sai. Cách ứng xử của Facebook như hiện tại chưa triệt để.
Việc điều chỉnh nhưng không đưa ra lời xin lỗi không thể làm chúng ta hài lòng.
- Nếu Facebook không xin lỗi, cơ quan chức năng Việt Nam và người dân, doanh nghiệp cần bày tỏ thái độ, quan điểm như thế nào?
- Sự việc chắc chắn đã động chạm đến tâm tư, tình cảm của người dân Việt Nam. Rõ ràng, họ đã làm tổn thương đến những khách hàng sử dụng Facebook. 50-70 triệu người dùng ở Việt Nam lớn lắm chứ, họ phải quan tâm đến điều đó.
Đứng về mặt quản lý thông tin, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) chắc có giải pháp pháp lý hiệu quả hơn.
Tôi cũng nghĩ rằng Bộ Ngoại giao sẽ có những ý kiến chính thức, phù hợp.
Cộng đồng giận dữ với thông tin sai lệch chủ quyền trên Facebook. |
Ông Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, cho rằng Facebook không chỉ phải xin lỗi, cải chính mà cần bồi thường thiệt hại khi đăng thông tin sai lệch như vậy - nhất là vấn đề lớn như chủ quyền, lãnh thổ. Cơ quan chức năng cũng có thể yêu cầu các doanh nghiệp, người dân không quảng cáo trên Facebook.
Trao đổi với Zing.vn, ông Trương Minh Hoàng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng là để quản lý, kiểm soát, phát hiện, đấu tranh với những trường hợp đăng tải thông tin sai lệch như thế này. Đây cũng là một trong những phương thức giúp cơ quan chức năng yêu cầu Facebook gỡ thông tin sai trái.
"Nếu Facebook cố tình vi phạm thì xử lý càng nặng theo quy định của luật", ông Hoàng nói.