Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Facebook nhượng bộ vụ đăng ảnh ‘Em bé napalm’

Sau nhiều chỉ trích, Facebook phải nhượng bộ và đồng ý cho bức ảnh nổi tiếng xuất hiện trở lại trên mạng xã hội này.

Facebook cho biết, công ty đã đồng ý cho bức ảnh “Em bé napalm” được đăng tải trở lại, sau những ồn ào liên quan đến cáo buộc cho rằng họ đã lạm dụng quyền lực trong việc kiểm duyệt thông tin, theo Fox News.

Người phát ngôn Facebook tuyên bố rằng họ sẽ cho phép mọi người chia sẻ bức hình này, đồng thời thừa nhận: “Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng và giá trị lịch sử của bức ảnh khi đã ghi lại một khoảnh khắc của thời đại. Do tính chất đặc biệt của nó, chúng tôi quyết định sẽ khôi phục lại bức ảnh trên Facebook".

Facebook ban đầu đã xóa bài đăng của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg và nhiều người khác có đính kèm bức ảnh “Em bé napalm”.

Cuộc tranh cãi bắt đầu diễn ra khi Facebook tiếp tục xóa bức hình đạt giải Pulitzer này của phóng viên AP Nick Ut từ trang cá nhân của một nhà báo Na Uy, đồng thời cho rằng bức ảnh vi phạm quy tắc ảnh khỏa thân.

Đỉnh điểm của vụ việc là khi Tổng biên tập Espen Egil Hansen của tờ báo lớn nhất Na Uy Aftenposten cho đăng tải công khai bức thư chỉ trích Facebook cùng CEO Mark Zuckerberg.

Facebook cho dang em be napalm anh 1
Bức hình "Em bé napalm". Ảnh: Nick Ut.

Phát ngôn viên của Facebook nói rằng: “Mặc dù chúng tôi biết bức ảnh này mang tính biểu tượng, rất khó để xác định từng trường hợp ảnh khiêu dâm trẻ em. Chúng tôi cố gắng tìm ra sự cân bằng giữa việc cho phép mọi người vừa có thể thể hiện bản thân mình, đồng thời chấp hành các giá trị cộng đồng mà chúng tôi đã đề ra".

Cây viết Julia Carrie Wong của tờ The Guardian cho biết: "Bức ảnh bị một người dùng trên Facebook báo vi phạm nội dung và sau đó đội ngũ kiểm duyệt Facebook đã xóa nó đi. Đây là hành vi cố tình của nhân viên Facebook vì nó không được xóa tự động bởi các thuật toán".

Một lần nữa, vụ việc dấy lên những tranh cãi về kiểm duyệt trên các mạng xã hội, cũng như cho thấy việc máy móc thay thế con người trong mảng này vẫn là điều xa vời.

Mark Zuckerberg bị chỉ trích vì gỡ bức ảnh chiến tranh VN

Vụ việc bắt đầu khi Facebook xóa bài đăng "7 bức ảnh thay đổi lịch sử chiến tranh thế giới" của phóng viên Tom Egeland, trong đó có hình ảnh "Em bé Napalm".


Đại Việt

Bạn có thể quan tâm