Sau đó, Egeland đã bị khóa nick Facebook.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg, một trong nhiều chính trị gia chia sẻ bài báo trên, viết rằng bức ảnh "Nỗi kinh hoàng chiến tranh" đã "thay đổi lịch sử thế giới". Nhưng sau đó, Facebook cũng xóa bài chia sẻ của bà Erna Solberg.
Những chỉ trích từ Na Uy
Thủ tướng Na Uy kêu gọi Facebook "xem lại chính sách biên tập". Sau đó, Tổng biên tập Espen Egil Hansen của Aftenposten, thông tin về vụ việc này, và đăng bài viết, bao gồm cả bức ảnh trên lên trang công khai của Facebook.
Hansen cho biết, trang của ông nhận được tin nhắn từ Facebook yêu cầu "xóa bỏ hoặc làm mờ" bức ảnh.
Ông đã từ chối, viết một lá thư công khai đến Mark chỉ trích ông chủ Facebook "lạm dụng quyền lực" thông qua mạng xã hội, vốn đang trở thành cửa ngõ thông tin trên thế giới.
"Tôi buồn bã, thất vọng và thậm chí là sợ hãi, về những gì ông đang làm trong xã hội dân chủ của chúng tôi", Hansen viết.
"Em bé napalm" hay "Nỗi kinh hoàng chiến tranh". Ảnh: Nick Ut. |
Trong một phát biểu, bà Solberg nói: "Tôi trân trọng việc Facebook và các đơn vị truyền thông khác kiểm soát các nội dung bạo lực, khiêu dâm. Nhưng Facebook đã sai khi kiểm duyệt những bức ảnh như vầy".
Sau khi bị xóa bài chia sẻ, thủ tướng Na Uy đăng một status khác nói rằng quyết định của Facebook đang "hạn chế quyền tự do ngôn luận" và khẳng định: "Tôi không đồng ý loại hình kiểm duyệt này".
Solberg cũng cho rằng quyết định này là "đáng hối tiếc" và việc xóa những hình ảnh tương tự, dù với mục đích tốt, cũng đang "biên tập lại lịch sử".
Bà thể hiện mong muốn trẻ em ngày nay sẽ có cơ hội được nhìn thấy và học tập từ những sai lầm trong lịch sử, vì đây "là điều quan trọng".
"Tôi mong Facebook dùng cơ hội này để xem lại chính sách biên tập của họ, và xem lại trách nhiệm của một công ty lớn đang quản lý nền tảng truyền thông khổng lồ".
Thủ tướng Na Uy kêu gọi Facebook xem lại chính sách của mình. Ảnh: The Guardian. |
Về quyết định xóa bài đăng của thủ tướng, Hansen nói với Guardian: "Ít nhất Facebook cũng không phân biệt đối xử với người có chức quyền, đó là điều đáng ghi nhận".
Nhưng ông khẳng định Facebook đang cố ngăn chặn "một trong những bức ảnh quan trọng nhất của thời đại chúng ta".
Ryssdal, CEO Schibsted Media Group, đơn vị chủ quản của Aftenposten, nói rằng Facebook đang ngày càng mạnh trong giới truyền thông Na Uy, thu về 137 triệu USD tiền quảng cáo trong khi chỉ "trả thuế nhỏ giọt về cho cộng đồng".
Rolv Erik Ryssdal bổ sung: "Không thể chấp nhận được. Chính sách của Facebook đang đả phá tự do ngôn luận - và từ đó là nền dân chủ".
"Chúng tôi tin rằng giới truyền thông Na Uy cần đoàn kết lại để tạo đối trọng độc lập với quyền lực của gã khổng lồ Mỹ ở thị trường quảng cáo", ông nói. "Điều tiên quyết ở đây là nền báo chí độc lập, trường hợp của Aftenposten là ví dụ cho sự quan trọng của nó".
Bức ảnh được cho là bị báo cáo bởi người dùng, và quyết định xóa ảnh được đưa ra bởi đội phụ trách cộng đồng của Facebook, chứ không phải xóa tự động theo thuật toán.
Trong bức thư của mình, Hansen cho rằng quyết định xóa bỏ các bức hình cho thấy sự kém cỏi trong khả năng phân biệt đâu là ảnh khiêu dâm trẻ em, đâu là hình ảnh chiến tranh nổi tiếng, cũng như Facebook thiếu thiện chí trong việc đưa ra quyết định tốt nhất.
“Mặc dù là tổng biên tập tờ báo lớn nhất Na Uy, tôi đang bị hạn chế quyền hành công việc bởi ông, đồng thời tôi nghĩ ông đang lạm dụng quyền lực của mình, khó có thể tin rằng ông đã suy nghĩ kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định này”, Hansen viết đến Mark.
Hansen còn gay gắt cho rằng, thay vì thực hiện sứ mệnh “làm cho thế giới cởi mở và kết nối mọi người”, hành động này của Facebook “chỉ đơn giản là thúc đẩy sự ngu ngốc và ngăn cách mọi người”.
Tổng biên tập Espen Egil Hansen của tờ Aftenposten
đã kịch liệt chỉ trích Mark Zuckerberg. Ảnh: Aftenposten.
|
Bức thư của tổng biên tập báo Aftenposten xuất hiện trong bối cảnh Facebook đang cố gắng tăng cường khả năng kiểm soát thông tin của họ, điều này khiến các tổ chức báo chí cảm thấy không hài lòng.
Facebook bị chỉ trích về chính sách độc đoán
Theo một nghiên cứu năm 2016 của Pew Research Center, 44% người trưởng thành tại Mỹ tiếp nhận thông tin qua Facebook. Sự phổ biến này đồng nghĩa với thuật toán của Facebook có sức ảnh hưởng khổng lồ với quan điểm của công chúng.
Tháng 5/2016, Gizmodo đưa tin Facebook đã "thúc đẩy" một vài trang tin không đáng tin cậy, tạo ra vụ hỗn loạn lớn mà đích thân Mark Zuckerberg phải ra mặt đính chính.
Trước đó, chỉ mất 2 ngày để thuật toán Facebook lan truyền một tin sai lệch về phóng viên của Fox News. Nhiều người cho rằng quá dựa vào thuật toán khiến Facebook trở nên vô trách nhiệm trong trường hợp này.
Facebook từng sa thải nhóm các biên tập viên quản lý mảng nội dung xu hướng, thay thế họ bằng thuật toán, và sau đó xảy ra vụ việc trên.
Trong bức thư của mình, Hansen cho rằng các quyết định rằng nội dung nào nên được đẩy mạnh, chấp nhận hoặc xóa bỏ - dù bởi người hay thuật toán - đều phải thuộc về tờ báo.
"Báo giới có trách nhiệm cân nhắc từng bài viết", ông viết. "Đây là quyền lợi và trách nhiệm mà mỗi biên tập viên trên thế giới phải có, không thể đặt chúng dưới các thuật toán viết tại California được".
"Các biên tập viên không thể sống dưới quyền lực của Mark như dưới một 'siêu tổng biên tập", Hansen bức xúc.
Phát ngôn viên của Facebook cho biết: “Mặc dù chúng tôi biết rằng bức ảnh này mang tính biểu tượng, nhưng rất khó để xác định từng trường hợp ảnh khiêu dâm trẻ em. Chúng tôi cố gắng tìm ra sự cân bằng giữa việc cho phép mọi người vừa có thể thể hiện bản thân mình, đồng thời chấp hành các giá trị cộng đồng mà chúng tôi đã đề ra".
Họ cũng thừa nhận những giải pháp của Facebook "không phải lúc nào cũng hoàn hảo", nhưng luôn tiếp tục cố gắng để cải thiện các chính sách và cách thức áp dụng.
Phát biểu tại Rome tháng trước, Mark trả lời về vai trò của Facebook: "Chúng tôi là công ty công nghệ, không phải công ty truyền thông". Theo ông, "Thế giới cần các công ty truyền thông, và cả các nền tảng công nghệ như chúng tôi, và chúng tôi thực hiện vai trò của mình rất nghiêm túc".
Hansen gợi ý Facebook thay đổi hành vi của mình bao gồm "tạo ra các luật và chính sách theo khu vực", "phân biệt báo giới và người dùng thông thường" đồng thời "xem lại hoàn toàn cách Facebook vận hành".
Bức ảnh trắng đen “Em bé Napalm” khắc họa những đứa trẻ Việt Nam bỏ chạy khỏi vùng chiến sự ở Trảng Bàng, Tây Ninh trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Nhân vật chính là cô bé 9 tuổi Phan Thị Kim Phúc bị bỏng bom napalm vừa chạy vừa khóc, không một mảnh vải che thân. Cho đến nay, bức hình vẫn được xem là biểu tượng cho sự tàn khốc của cuộc chiến tại Việt Nam, đồng thời mang về cho tác giả của nó, nhiếp ảnh gia Nick Ut giải thưởng Pulitzer.