95 triệu USD là số tiền đầu tiên mà ông chủ Facebook góp vào quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative mới được thành lập từ cuối năm ngoái. Trước đó, hai vợ chồng Zuckerberg và Priscilla Chan cam kết sẽ dành 99% tài sản của họ tại Facebook, tức là tương đương với 45 tỷ USD, cho hoạt động từ thiện trong suốt quãng đời còn lại.
Tuy nhiên, việc một trong những nhân vật quyền lực nhất giới công nghệ hiện nay cho đi gần như tất cả tài sản của mình cũng làm dấy lên nhiều nghi ngờ. Nhất là khi tuyên bố này không đi kèm kế hoạch và lịch trình cụ thể cho hoạt động từ thiện.
Theo tờ Wired, Zuckerberg bị nghi ngờ dùng hoạt động từ thiện để đánh bóng tên tuổi. Tức là cứ "mạnh mồm" công bố hiến một đống tiền cho từ thiện nhưng việc giải ngân còn phải chờ chán chê mà có khi chẳng bao giờ thành hiện thực.
Trong khi đó, 95 triệu USD giải ngân đầu tiên chỉ là "muỗi" nếu so với khoản tiền 45 tỷ USD như cam kết. Rob Reich, đồng giám đốc Trung tâm Bác ái và Xã hội Dân sự Stanford (SCPCS), Mỹ kêu gọi cần có sự minh bạch rõ ràng hơn trong cam kết từ thiện này, còn nếu không nó cũng chỉ là cách đánh bóng tên tuổi của Zuckerberg mà thôi.
Ông chủ Facebook hưởng lợi lớn từ quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative.
|
Nhưng Mark Zuckerberg, vốn đã quá nổi tiếng với mạng xã hội Facebook – hiện đang có 1,65 tỷ người dùng thường xuyên hàng tháng, có cần phải đánh bóng tên tuổi kiểu đó hay không?
Thực tế, vụ bán 95 triệu USD cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh Facebook đang dần cải tổ theo hướng trao cho Zuckerberg quyền lực kiểm soát tuyệt đối ngay cả khi CEO này bán tất cả cổ phiếu Facebook.
Tháng 6 vừa qua tại hội nghị cổ đông hàng năm, các cổ đông Facebook đã thống nhất thông qua kế hoạch tái cấu trúc cổ phần công ty, theo đó cho phép Mark Zuckerberg giữ quyền kiểm soát Facebook ngay cả khi công ty phát hành thêm cổ phiếu hoặc CEO bán các cổ phiếu của mình.
Nói tóm lại, hội nghị này là động thái khẳng định vị trị độc tôn của Mark Zuckerberg với Facebook cho dù có xảy ra bất cứ chuyện gì sau này. Facebook cũng là một trong số ít công ty công nghệ công khai kế hoạch phát triển 10 năm tiếp theo.
Trong khi đó, Zuckerberg từng tuyên bố rằng sẽ không cho đi quá 1 tỷ USD cổ phiếu Facebook mỗi năm từ nay tới hết 2018. Điều đó có nghĩa, sẽ còn rất lâu nữa số tiền 45 tỷ USD mới được giải ngân hết.
Facebook hiện có 1,65 tỉ người dùng thường xuyên hàng tháng. |
Quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative hoạt động cho sứ mệnh "đào tạo cá nhân, hạn chế bệnh dịch, kết nối người dân và xây dựng cộng đồng". Dự án đầu tiên của quỹ là đầu tư cho Andela, một công ty khởi nghiệp đào tạo kỹ sư ở châu Phi làm trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, chẳng có thêm thông tin nào về hoạt động của Chan Zuckerberg Initiative.
Trong khi đó, Zuckerberg được hưởng lợi rất lớn từ quỹ từ thiện Chan Zuckerberg Initiative. Ngoài chuyện được miễn thuế ra, CEO Facebook còn có được ảnh hưởng lớn về mặt chính trị và xã hội.
Theo Wired, khi đã thừa tiền rồi, Zuckerberg sẽ là nhân vật có tiếng trong giới chính trị. Tiếng nói của tỷ phú công nghệ này sẽ có trọng lượng lớn trong mọi vấn đề.
Trên thực tế, Chan Zuckerberg Initiative không phải tổ chức phi lợi nhuận (NPO), vậy nên Zuckerberg có bán hết cổ phiếu Facebook cho từ thiện đi chăng nữa cũng không phải là hành động bác ái đơn thuần.
Zuckerberg từng đứng ra bảo vệ cơ cấu của Chan Zuckerberg Initiative và cho rằng việc không phải là NPO giúp tổ chức này linh hoạt hơn khi cấp vốn cho các sứ mệnh cụ thể. Nói tóm lại, Zuckerberg có thể dùng tiền của mình đầu tư cho bất cứ thứ gì mình thích, đó có thể liên quan tới chính trị, bầu cử hoặc lĩnh vực công cộng.
Cả thế giới có thể ngỡ ngàng với việc cho đi gần như toàn bộ tài sản của vợ chồng Mark Zuckerberg, nhưng thực tế người hưởng lợi lớn nhất từ quyết định này có thể lại chính là Mark Zuckerberg.